Bình Thuận tổ chức xin lỗi người quá cố bị khởi tố oan 42 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau 152 ngày bị bắt giam oan, ông Võ Tê ở Bình Thuận được trả tự do, rồi ông mất vào năm 1994. Hôm nay, Công an và Viện KSND tỉnh Bình Thuận mới tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Tê.

Gây ra đau khổ cho gia đình nạn nhân

Sáng 17/6, tại trụ sở UBND xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Công an tỉnh Bình Thuận và Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Võ Tê và gia đình do việc khởi tố, bắt giam oan trong vụ án giết người, cướp của xảy ra cách đây 42 năm.

Ông Võ Tê (SN 1932) đã bị khởi tố, bắt giam và điều tra oan trong suốt 5 tháng, sau khi bà Phan Thị Khanh bị giết, cướp tài sản ngày 31/7/1980 tại xã Tân Minh (nay là Tân Phúc), huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.

Tại buổi xin lỗi, đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đã thay mặt các cơ quan tố tụng tỉnh và huyện Hàm Tân đọc thông báo kết quả điều tra vụ án “Giết người, cướp của” xảy ra ngày 31/7/1980 tại thôn 3, xã Tân Minh.

Bình Thuận tổ chức xin lỗi người quá cố bị khởi tố oan 42 năm trước ảnh 1

Công an tỉnh Bình Thuận và Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Võ Tê và gia đình do việc khởi tố, bắt giam oan.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như thu thập, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận kết luận ông Võ Tê (SN 1932, trú xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân) không phải là người thực hiện hành vi giết bà Phan Thị Khanh (SN 1954, trú xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân). Việc ông Tê bị khởi tố, tạm giam từ ngày 1/8/1980 đến ngày 30/12/1980 là không đúng quy định pháp luật.

“Mặc dù lời xin lỗi của chúng tôi không bù đắp được những tổn thất, mất mát mà ông và gia đình đã gánh chịu, đặc biệt là ông Võ Tê - người bị khởi tố, tạm giam oan đã không còn nữa, nhưng buổi xin lỗi thể hiện bản chất nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của Nhà nước trước công dân, thể hiện tinh thần cầu thị của các cơ quan tiến hành tố tụng. Qua đây, Cơ quan CSĐT và Viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện cũng rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tố tụng”, đại tá Lập nói.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó viện trưởng Viện KSND Bình Thuận cũng thừa nhận những sai sót trong quá trình điều tra và phê chuẩn lệnh khởi tố và tạm giam đối với ông Võ Tê trong 5 tháng là không đúng với quy định của pháp luật.

“Việc các cơ quan tố tụng không truy tìm ra hung thủ thực sự của vụ án đã gây ra đau khổ cho ông Võ Tê cũng như gia đình. Đối với lệnh tạm giam ông Võ Tê mà Viện KSND huyện Hàm Tân phê chuẩn và chuyển hồ sơ vụ án về tỉnh Bình Thuận để điều tra ông Võ Tê, đến nay xác định Trương Đình Chi hay còn có tên gọi khác là Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn là hung thủ thực sự của vụ án”, bà Lan nói.

Việc để ông Võ Tê mang thân phận bị can kéo dài đến hơn 41 năm, đến ngày 5/1/2022, là rất đau xót cho gia đình. Do đó, đại diện Viện KSND tỉnh Bình Thuận gửi lời xin lỗi sâu sắc đến gia đình ông Võ Tê và mong rằng lời xin lỗi này xoa dịu đi phần nào những đau khổ mà gia đình ông Võ Tê đã trải qua.

Kiến nghị làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân

Trong phần phát biểu của đại diện gia đình bị hại, ông Võ Ngọc (con ruột ông Võ Tê) đã gửi lời cảm ơn đến con trai nạn nhân là anh Đỗ Thanh An đã không ngừng truy tìm hung thủ và tố cáo liên tục để có ngày ông Võ Tê được minh oan.

Ông Ngọc cũng nói rằng, đã gần 42 năm trôi qua, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Bình Thuận mới có quyết định đình chỉ điều tra bị can và hôm nay mới tổ chức xin lỗi công khai là quá chậm trễ.

“Bản thân tôi đi học, ra đường là bị đá, bị cây ném, người ta chửi “con ông Võ Tê giết người” thì tôi không đi học được. Anh chị em chúng tôi sống mấy chục năm như xác ướp vô hồn, bị xã hội coi như con ma chết. Tôi chấp nhận lời xin lỗi của cơ quan kiểm sát và công an. Cha mẹ tôi đã chết không còn nghe được lời xin lỗi này nữa”, ông Ngọc nghẹn ngào nói.

Bình Thuận tổ chức xin lỗi người quá cố bị khởi tố oan 42 năm trước ảnh 2

Đại tá Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận đọc lời xin lỗi gia đình ông Võ Tê.

Ông Ngọc mong muốn các cơ quan chức năng sớm giải quyết trách nhiệm bồi thường theo luật định. Ông cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây ra việc oan sai.

Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 31/7/1980, bà Phan Thị Khanh (lúc đó 26 tuổi) vào rẫy thu hoạch bắp nhưng đến chiều tối không về. Gia đình tìm kiếm, phát hiện bà Khanh nằm chết ở đồi dốc gần rẫy bắp thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân.

Ngày 1/8/1980, Công an huyện Hàm Tân khởi tố vụ án giết người, cướp của và bắt tạm giam ông Võ Tê. Trong khi đó, hung thủ thực sự của vụ án (sau này được xác định là Trương Đình Chi) sau khi giết bà Khanh để cướp 1,6 lượng vàng đã đón xe vào Hậu Giang lẩn trốn.

Sau 152 ngày bắt giam oan, ông Võ Tê được trả tự do. 13 năm sau ngày bị khởi tố và bắt giam oan, năm 1994, ông Tê qua đời (lúc 62 tuổi).

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, sau khi giết chết bà Phan Thị Khanh lấy túi vàng, Trương Đình Chi đã đưa vợ con mình đi lẩn trốn tại các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Khánh Hoà, Bình Định và Đồng Nai.

Trong quá trình trốn tránh pháp luật, Chi đã 2 lần thay tên đổi họ thành Trương Đình Khôi và Lê Minh Sơn. Đến năm 2000, Chi đến xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên mở quán cơm tại đây và đến tháng 11/2021 bị Cơ quan CSĐT Công an Bình Thuận và Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an truy tìm, phát hiện, triệu tập làm việc.

Cơ quan điều tra đã tổ chức thực nghiệm cho Trương Đình Chi xác định hiện trường và vị trí chôn giấu vàng sau khi gây án, phù hợp với biên bản hiện trường trước đây mô tả. Thực nghiệm điều tra bằng hình thức cho Trương Đình Chi diễn lại hành vi giết người, cướp tài sản. Kết quả, Chi đã tự diễn lại các tư thế, khoảng cách lúc dùng rựa chém và cướp tài sản phù hợp với diễn biến và những dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân.

Tuy nhiên, vụ án xảy ra hơn 40 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.