Bình Phước phát hiện ca đầu tiên dương tính với bạch hầu

Bình Phước phát hiện ca đầu tiên dương tính với bạch hầu
TPO - Một học sinh lớp 8 ở Bình Phước được xác định dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là trường hợp đầu tiên ở địa phương này kể từ khi loại dịch này bùng phát ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Ngày 26/7, thông tin từ ông Quách Ái Đức - Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cho biết, trên địa bàn đã ghi nhận một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là trường hợp đầu tiên mắc bạch hầu tại Bình Phước sau khi nhiều địa phương khác tại Tây Nguyên ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong từ tháng 6/2020 đến nay.

Theo đó, bệnh nhân tên N.T.T.D (dân tộc Tày, sinh năm 2006, hộ khẩu thường trú tại thôn Thống Nhất, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng. Em D là học sinh lớp 8A2, trường THCS Bình Sơn, huyện Phú Riềng.

Bình Phước phát hiện ca đầu tiên dương tính với bạch hầu ảnh 1 Cán bộ y tế phun thuốc khử trùng tại nhà bệnh nhân

Trước đó, vào ngày 15/7/2020 bệnh nhân có triệu chứng sốt, đau họng, ăn uống kém, người nhà đưa đi khám phòng khám tư tại xã Đắk Nhau. Tại đây, bác sĩ tiêm thuốc và cho thuốc uống (không rõ loại). Sau 3 ngày điều trị và dùng thuốc, các triệu chứng của bệnh nhân không giảm, vẫn còn sốt cao, đau họng nhiều, không ăn được, ho nhiều, khạc nhiều đàm kèm ít máu.

Sau khi có các biểu hiện khả nghi như sốt, ho, rát họng, bệnh nhân được gia đình đưa đến kiểm tra tại Trung tâm Y tế huyện. Cơ quan y tế đã lấy mẫu chuyển đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh bạch hầu. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước hiện đã phun thuốc khử trùng tại nhà bệnh nhân và một số khu vực khác trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Phước, trong 6 tháng đầu năm 2020, địa phương có 505 ca mắc sốt xuất huyết, một trường hợp tử vong.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.