Bình Dương chuẩn bị nhân lực, thiết bị ứng phó COVID-19 bùng phát

0:00 / 0:00
0:00
Bình Dương chuẩn bị nhân lực, thiết bị ứng phó COVID-19 bùng phát
TPO - Ngành y tế Bình Dương nhận định F0 còn tăng cao trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đặc biệt là biến thể Omicron. Theo chuyên gia y tế, để ứng phó với dịch COVID-19 bùng phát bất cứ lúc nào, Bình Dương cần chủ động chuẩn bị nhân lực, đầu tư thiết bị y tế, không để “nước tới chân mới nhảy”.

Không để “nước tới chân mới nhảy”

Để ứng phó với “sóng ngầm” COVID-19, nguy cơ bùng phát mạnh trở lại, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, GĐ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, nguyên GĐ Y khoa Bệnh viện hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương cho biết, mọi thứ phải sẵn sàng trước khi “địch” đến.

Theo ông Hiếu, Bình Dương cần sớm bao phủ vắc xin cho người dân. Việc cần làm ngay là xây dựng cơ sở y tế điều trị riêng và lâu dài bệnh nhân COVID-19 để các cơ sở y tế còn lại tập trung điều trị bệnh thông thường. Phân tầng rõ ràng giường điều trị tầng 1, tầng 2 ở các cơ sở y tế. Thành lập giường bệnh tầng 3 cho các cơ sở y tế, để không phải chuyển bệnh nhân đi xa, ảnh hưởng kết quả điều trị.

Bình Dương chuẩn bị nhân lực, thiết bị ứng phó COVID-19 bùng phát ảnh 1

Ca mắc COVID-19 ở Bình Dương đang ghi nhận mỗi ngày từ 400 đến hơn 600 ca

Bên cạnh đó, Bình Dương đầu tư đầy đủ về thuốc men, oxy cho các cơ sở y tế để bác sĩ điều trị bệnh nhân. Về nhân lực, ông Hiếu kiến nghị Bình Dương bổ sung ngay bác sĩ cho các cơ sở hồi sức. Nâng cao năng lực điều trị cho bác sĩ bằng các khóa huấn luyện trực tuyến. Nâng cao chế độ thu nhập cho y bác sĩ yên tâm công tác và có chế độ tốt để thu hút bác sĩ giỏi về địa phương cống hiến.

Cũng theo ông Hiếu, hiện số lượng F0 rất lớn, do vậy cần bỏ khái niệm F1, F2 chỉ cần xác định là người mắc và nghi mắc. Phân loại bệnh nhân dựa trên các yếu tố nguy cơ để xác định kịp đưa vào cơ sở điều trị hoặc điều trị tại nhà. Tránh để người dân giấu bệnh, bệnh nhân chuyển nặng không xử lý kịp dễ dẫn đến chuyển nặng tử vong. Bên cạnh đó, không phát thuốc theo gói A, B tràn lan cho người bệnh điều trị tại nhà. Kết thúc cách ly không nên máy móc, kéo dài thời gian mà dựa vào thực tế.

"Dịch bệnh còn diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ bùng phát mạnh, đặc biệt là sự xuất hiện của biến thể mới Omicron. Điều Bình Dương cần làm ngay là củng cố lại y tế cơ sở, cả về vật chất, thiết bị lẫn nhân lực. Nếu không làm, chủ quan, chúng ta lại bị dịch bệnh tấn công và lại xảy ra những tổn thất không đáng có. Mọi thứ phải chuẩn bị trước không để nước tới chân mới nhảy sẽ khó kiểm soát”, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nói.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 285.134 ca mắc COVID-19; 292.563 bệnh nhân khỏi bệnh; 2.838 ca tử vong. Các cơ sở điều trị toàn tỉnh đang điều trị: 2.489 bệnh nhân (tầng 1: 1.192 bệnh nhân, tầng 2: 942 bệnh nhân và tầng 3: 355 bệnh nhân). Số bệnh nhân nặng, nguy kịch cần thở oxy: 557 bệnh nhân.

Dự báo dịch bùng phát dịp cuối năm

Ngày 6/12, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, sau hơn 1 tháng chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 đã có những chuyển biến tích cực. Mọi hoạt động gần như được khôi phục hoàn toàn nên đời sống người dân dần đi vào ổn định.

TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian gần đây tình hình ca mắc COVID-19 mới và bệnh nhân diễn biến nặng có xu hướng tăng trở lại. Theo TS.BS Chương, mặc dù số bệnh nhân được công bố trước khi khẳng định PCR có giảm (từ 400 đến hơn 600 ca mỗi ngày) nhưng số F0 qua test nhanh trong 2 tuần gần đây có xu hướng tăng.

Bình Dương chuẩn bị nhân lực, thiết bị ứng phó COVID-19 bùng phát ảnh 2

Bình Dương đang theo dõi, điều trị hàng nghìn F0 tại nhà

Theo TS.BS Chương, trong thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. “Mặc dù có nhiều kinh nghiệm về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do nới lỏng giãn cách xã hội nên sự giao lưu giữa người dân Bình Dương với các tỉnh, thành trong khu vực rất lớn. Dự báo, diễn biến dịch bệnh trong tương lai sẽ diễn tiến theo tình hình dịch bệnh vùng Đông Nam bộ cũng như trong toàn quốc. Đặc biệt, trong thời gian này biến thể Omicron mới xuất hiện dự báo ngày càng phức tạp và khó khăn. Trong tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, số ca F0 trong cộng đồng còn ở mức cao”, TS.BS Nguyễn Hồng Chương cảnh báo.

24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm COVID-19 mới

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến sáng ngày 8/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 267.272.123 ca COVID-19, trong đó có 5.285.104 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 545.300 và 6.806 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 240.692.473 người, 21.294.546 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87.737 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 76.736 ca; Pháp đứng thứ hai với 59.019 ca; tiếp theo là Đức (51.592 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.182 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (1.075 ca) và Ba Lan (504 ca tử vong).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 50.226.957 người, trong đó có 811.522 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.656.506 ca nhiễm, bao gồm 473.757 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.157.726 ca bệnh và 616.018 ca tử vong.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 82,7 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với trên 76,23 triệu ca; Bắc Mỹ ghi nhận gần 59,98 triệu ca; Nam Mỹ là trên 39,12 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,85 triệu ca và châu Đại Dương trên 380.000 ca.

MỚI - NÓNG