“Sống chung với dịch”
Tính đợt dịch thứ 4 nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 146.296 ca mắc COVID-19; 1.250 ca tử vong và gần 95.000 bệnh nhân xuất viện về nhà. Toàn tỉnh này hiện có 42.323 người đang cách ly tập trung và 4.627 bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà; có 1.216 khu vực phong tỏa với 118.741 người trong khu vực phong tỏa.
Thống kê cho thấy ca mắc mới trong những ngày qua ở Bình Dương đều lên đến 4 con số mỗi ngày, giao động từ 2 đến hơn 4.000 ca. Đáng nói, ngoài các địa phương “vùng đỏ” ghi nhận ca mắc cao, những “vùng xanh” vẫn còn F0 trong cộng đồng.
Để mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới sau 15/9, Bình Dương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong tình hình mới trên tinh thần “sống chung với dịch”.
Quốc lộ 13 đông đúc trong ngày đầu tiên TP Thủ Dầu Một trở lại trạng thái bình thường mới |
Theo kế hoạch khôi phục kinh tế, xã hội trong tình hình mới sau ngày 15/9, Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp khóa chặt vùng đỏ, điểm đỏ, mở rộng vùng xanh. Thần tốc xét nghiệm để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi công đồng. Những trường hợp không được tham gia lưu thông là người chưa tiêm vắc xin, người tiêm vắc xin dưới 14 ngày, người già, có bệnh lý nền nặng và trẻ em không ra đường khi không thật sự cần thiết.
Về đối tượng được phép lưu thông, công nhân lao động (người đã tiêm vắc xin theo thời gian quy định) cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại công ty, xí nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất khi đi qua các chốt kiểm dịch.
Đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một nhiều người ra đường trong ngày 10/9 |
Người di chuyển trên đường phố Thủ Dầu Một chủ yếu lực lượng chức năng |
Chính quyền chưa cho phép các trường hợp người và phương tiện từ vùng đỏ vào vùng xanh ngoại trừ các đối tượng ưu tiên. Từng bước khuyến khích hướng dẫn và cung cấp thiết bị cho gia đình, khu phố, doanh nghiệp và khu trọ tự xét nghiệm. Trong trường hợp xét nghiệm nếu phát hiện F0 phải liên hệ ngay cơ sở y tế địa phương.
Các địa phương phối hợp với Sở Y tế từng bước triển khai việc cách ly F0 tại nhà đối tượng và điều kiện phù hợp gắn với các “túi thuốc an sinh” cho F0. Các chốt liên huyện, đặc biệt là ranh giới giữa vùng xanh và vùng đỏ phải khóa chặt lộ trình đi từ vùng đỏ.
Chợ Thủ Dầu Một vẫn chưa hoạt động trở lại |
Đối với hộ kinh doanh, cửa hàng buôn bán thực phẩm, dịch vụ ăn uống, buôn bán hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, UBND các huyện, thị xã, thành phố tự đánh giá, xem xét tình hình thực tế để quyết định.
Nhiều người dân vẫn lo lắng
Ghi nhận của PV Tiền Phong trong ngày đầu “vùng đỏ” TP Thủ Dầu Một trở lại trạng thái bình thường mới, người dân nơi đây vẫn e dè chưa dám ra đường nhiều. “Mặc dù đủ điều kiện theo quy định để đi lại trong nội phường nhưng tôi không dám. Tôi nói với các con, phải thật sự cần thiết mới ra khỏi nhà lúc này cho đến khi địa phương không còn F0 trong cộng đồng. Tôi quan niệm rằng, người tiêm vắc xin được ra đường nhưng không phải cứ tiêm là không có dịch hoặc không lây dịch”, bà N.T.V (ngụ phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một) nói.
Khu vực chợ trung tâm TP Thủ Dầu Một vẫn vắng người khi trở lại trạng thái bình thường mới |
Trong khi đó, ông T.V.N (ngụ phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một) cho biết thêm, sáng nay chốt kiểm dịch đầu hẻm đã dỡ bỏ nhưng ông không dám đi ra ngoài mặc dù rất muốn.
“Công bố “vùng đỏ” tôi yên tâm chứ công bố “vùng xanh” tôi vừa mừng vừa lo. Tôi chỉ sợ, người dân và cả lực lượng làm nhiệm vụ sẽ lơ là không siết chặt như trước sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới từ việc lây chéo nhau. Bà xã (vợ) tôi bảo đang lo sau khi trở về trạng thái bình thường, người ta chủ quan nên mọi người trong nhà hạn chế ra đường hoặc nơi đông người”, ông N. chia sẻ.
Các trục đường chính liên huyện, thị xã, thành phố vẫn duy trì chốt kiểm dịch |
Khi phóng viên hỏi một người dân sống trên đường Lê Hồng Phong thuộc phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, điều lo lắng nhất của người dân “vùng xanh” là gì?, ông N.Q.A nói rằng đó là y tế.
“Ở “vùng đỏ” y tế được trang bị chu đáo. Ở “vùng xanh” cũng có rất nhiều F0 xuất viện về nhà, ai chắc chắn họ không tái nhiễm? Rồi chuyện F0 ghi nhận mới thêm nữa. Người dân cần địa phương triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động trong thời gian sớm nhất và duy trì xuyên suốt để xử lý kịp thời những tình huống khẩn cấp”, ông A. bày tỏ.
Giải thích về “trạng thái bình thường mới”, ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh, mọi hoạt động khi trở lại trạng thái bình thường mới cần phải đi kèm với điều kiện. Mọi người phải tuân thủ quy tắc 5K, người ra đường phải được tiêm vắc xin, xét nghiệm âm tính… những cái mà cuộc sống bình thường khi chưa có dịch không bắt buộc.
Lượng phương tiện chủ yếu tập trung trên Quốc lộ 13, hướng rẻ vào TP Thủ Dầu Một vẫn vắng người |
Cũng theo ông Thao, để trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương đã lên phương án cụ thể. Trong đó, đặc biệt quân tâm vấn đề y tế. Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập mỗi xã, phường có 1 trạm y tế lưu động ngoài trạm y tế cố định. Đối với “vùng đỏ” có thêm 3 trạm y tế lưu động. Các trạm y tế trang bị nguồn oxy và thuốc. Sơ cứu và chuyển viện kể cả người bị bệnh thông thường.