Những ngày qua, Tiền Phong nhận được thông tin phản ánh của một số người dân trên địa bàn tỉnh Bình Dương liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin. Theo người dân, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số cơ sở y tế và điểm tiêm vắc xin tư nhân đề nghị phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 có thu phí, trái với tinh thần chủ trương của tỉnh.
Đáng nói, xuất hiện tình trạng cán bộ khu phố, phường trong quá trình thống kê, lập danh sách người dân chưa tiêm vắc xin đủ liều, lấy lý do “hỗ trợ” để thu tiền bất chính.
“Tôi chưa tiêm vắc xin mũi 2, khi cán bộ khu phố đến ghi danh sách có nói là vắc xin đang khan hiếm, để được ưu tiên tiêm sớm thì hỗ trợ 500 nghìn đồng/người. Muốn tiêm đủ liều sớm và nghĩ số tiền không lớn nên tôi đóng 1 triệu đồng cho hai người trong nhà đi tiêm”, một người dân sống trên địa bàn khu phố Bình Đường, phường An Bình, TP Dĩ An, Bình Dương cho biết.
“Ngành y tế không có chủ trương bắt buộc phải xét nghiệm đại trà khi đến các cơ sở y tế. Sở yêu cầu các điểm tiêm, kể cả cố định và lưu động dừng ngay việc yêu cầu người đến tiêm phải xét nghiệm nhanh COVID-19, trừ trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ”, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương đề nghị.
Trao đổi với PV Tiền Phong liên quan đến vấn đề này, TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, hiện đơn vị chưa nhận được phản ánh từ người dân liên quan đến việc bị thu tiền khi đi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, Sở Y tế Bình Dương sẽ kiểm tra, quán triệt các điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 tuyệt đối không được thu tiền người dân bất kể bằng hình thức nào.
Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, vắc xin phòng COVID-19 không thiếu và địa phương đang đẩy nhanh tiến độ nhằm bao phủ vắc xin cho người dân, ngăn ngừa ca mắc diễn biến nặng và tử vong trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.
Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh |
Cũng theo ông Chương, việc ca mắc và tử vong ở địa phương những ngày qua giảm nguyên nhân một phần nhờ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Ngành y tế Bình Dương đang rà soát, tiêm ngay cho các trường hợp chưa được tiêm đủ liều, nhất là đối với người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Ngoài việc tổ chức điểm tiêm cố định thường xuyên, ngành y tế cử lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vắc xin cho người dân.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương có gần 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đến làm việc, sinh sống. Trong đợt dịch bệnh lần thứ 4, các ca bệnh xuất hiện chủ yếu ở các công ty đan xen với các khu nhà đông công nhân lưu trú. Thống kê trong 46 ổ dịch trên địa bàn tỉnh thì có tới 42 ổ dịch, chuỗi lây nhiễm tại công ty, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần, cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron, việc bao phủ vắc xin cho người lao động trong các công ty, doanh nghiệp không chỉ tạo “lá chắn” bảo vệ chuỗi cung ứng, sản xuất trên địa bàn tỉnh không bị đứt gãy, gián đoạn, mà còn hướng tới miễn dịch cộng đồng.
Tính đến nay, Bình Dương đã tiêm 4.487.117 liều /5.797.240 liều được phân bổ (2.472.145 liều mũi 1; 1.868.681 liều mũi 2 và 146.291 mũi 3).