Ông Đặng Mạnh Cường (Ảnh: Trương Định) |
Đại biểu Đặng Mạnh Cường - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Quy Nhơn, cho hay, trong quy hoạch chung xây dựng TP. Quy Nhơn cũng như tại quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nội dung rất quan trọng, đó là tập trung phát triển các đô thị TP. Quy Nhơn hiện đại về không gian kiến trúc và khai thác các tiềm năng và các lợi thế đặc biệt của đầm Thị Nại. Cũng như định hướng phát triển và mở rộng TP. Quy Nhơn về phía đông bắc và lấy đầm Thị Nại làm trung tâm, thì việc bảo tồn và đầu tư nâng cao chất lượng cho đầm Thị Nại là vấn đề đặc biệt được quan tâm.
Theo ông Cường, đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương khảo sát, nạo vét luồng tàu để phục vụ du lịch đầm Thị Nại, và giao Sở NN&PTNT khảo sát nạo vét. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thực hiện.
Nằm cách TP. Quy Nhơn 8km về phía đông bắc, đầm Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định. (Ảnh: Dũng Nhân) |
Thời gian tới, Bình Định tổ chức giải đua thuyền máy Nhà nghề quốc tế F1H20, cũng như phát triển các khu đô thị ven đầm và phát triển các tour du lịch sinh thái, du lịch xanh tại đầm Thị Nại, do vậy, việc nạo vét, cải tạo chất lượng đầm Thị Nại là rất cần thiết.
Ông Cường đề nghị Sở NN&PTNT sớm triển khai theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đồng thời lưu ý thêm các nhánh sông Hà Thanh, đổ về đầm Thị Nại.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho hay, kết quả khảo sát tổng chiều dài luồng là khoảng 23,3km, trong đó phải nạo vét là khoảng 13,5km. UBND tỉnh đã thống nhất chọn luồng tàu, phương án nạo vét và giao Sở KH&ĐT tổ chức đấu thầu theo hình thức xã hội hóa. Hiện nay, đã lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện.
Ông Phúc cho biết, theo tiến độ nhà đầu tư xây dựng là đến 3/2024 sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án; sau đó thi công để đến tháng 12/2024 hoàn thành vào sử dụng.
Sớm xóa bỏ lò gạch thủ công
Ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, cho biết, Bình Định là một trong những thủ phủ của lò gạch. Lộ trình đến năm 2016 các huyện cơ bản đã xóa xong, còn lại duy nhất ở huyện Tây Sơn chưa hoàn thành.
Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII. (Ảnh: Trương Định) |
Theo ông Dũng, năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, Giám đốc Sở Xây dựng giải trình, cam kết cuối năm 2023 sẽ cơ bản xóa xong. Tuy nhiên, đến giờ theo báo cáo vẫn còn.
Theo bà Lê Bình Thanh – Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, việc xóa bỏ lò gạch thủ công địa phương đã triển khai rất quyết liệt, từ 958 lò đến nay chỉ còn 30 lò. Trong đó, có 23 lò nằm trong các cụm công nghiệp, 7 lò nằm ở ngoài.
Bà Thanh cho hay, đây là ngành nghề truyền thống của người dân địa phương. Mặc dù nhiều lò hiện không còn sản xuất nữa nhưng người dân rất "nấn ná", bởi đó là gia tài của gia đình. Đối với các lò gạch trong các cụm công nghiệp, trước đây có hộ nhận tiền đền bù, có hộ chưa, hiện giờ người dân mong muốn nếu có doanh nghiệp vào thì được bồi thường thêm rồi mới tháo dỡ.
Theo bà Thanh, khả năng đến ngày 31/12/2023, sẽ chấm dứt việc này.
“Nếu kỳ họp giữa năm sau vẫn còn thì Giám đốc Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn phải chịu trách nhiệm”, ông Dũng nói đồng thời chia sẻ thêm, mặc dù việc xóa bỏ các lò gạch thủ công khó, tuy nhiên tỉnh phải quyết tâm theo chủ trương của Chính phủ.