Bình cứu hỏa mini để trong xe dễ mang họa

Ảnh minh họa (Zing)
Ảnh minh họa (Zing)
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho biết, trang bị bình cứu hỏa với xe kinh doanh vận tải (như xe khách, xe tải) là cần thiết.

Thế nhưng theo ông Thanh, phải trang bị loại bình cứu hỏa lớn, không phải loại bình bé như bình xịt muỗi. Vì nếu không may có xảy ra sự cố, sẽ kịp ứng cứu để hành khách có thể thoát thân và giảm thiệt hại hàng hóa. Theo ông Thanh, hiện các xe ô tô chở khách, chở hàng đều trang bị bình cứu hỏa.

Tuy nhiên, với quy định trang bị bình cứu hỏa cho xe ô tô con cá nhân, trên phương diện người sử dụng xe ông Thanh không đồng tình. Theo ông, nhà sản xuất xe với hàng trăm năm nghiên cứu, nhưng họ sản xuất xe vẫn không thiết kế đặt bình cứu hỏa trên xe con. Nhiều nước cũng không có quy định như Việt Nam. “Không được thiết kế nên mua bình cứu hỏa về chẳng biết để đâu, cho cốp xe thì khi có cháy cũng không kịp lấy bình. Đặc biệt, nếu cháy thì tốt nhất nên bỏ xe chạy lấy người. Còn cái bình cứu hỏa bằng cổ tay làm được gì, không may còn mang vạ vào thân”, ông Thanh nói.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội cho biết, quy định mới cho thấy sự quan tâm của Bộ Công an tới phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro với xe cá nhân. Tuy vậy, theo ông Liên, do nhà sản xuất không thiết kế bình chữa cháy để trên xe con, nên chủ xe phải thay đổi thiết kế xe mới có chỗ để bình, đây là điểm vướng của quy định. “Mua bình chữa cháy để gầm ghế, khi xe chạy xảy ra rung lắc, va đập có thể tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố”, ông Liên nói.

Theo ông Liên, xe con khi phát hỏa thường từ động cơ phía trước xe, khi đã cháy rất khó dập vì động cơ và bình xăng được thiết kế kín. Vì vậy, ông Liên khuyên, khi xảy ra cháy ô tô con nên thoát khỏi xe thật nhanh, vì xe rất dễ phát nổ. Ngoài ra, chất lượng, nguồn gốc bình chữa cháy cũng khiến ông Liên lo lắng, ai sẽ kiểm định, giám sát ra sao. “Không chỉ với bình chữa cháy, các quy định ô tô phải có đèn pin chuyên dụng, găng tay bảo hộ phòng chữa cháy… đều là quy định thừa, không thực tế, làm tăng chi phí vận tải”, ông Liên nói.

MỚI - NÓNG