Biểu tượng chiến thắng nơi tuyến đầu

Chị Phương Thi đưa biểu tượng chiến thắng chào đồng nghiệp trong khu cách ly
Chị Phương Thi đưa biểu tượng chiến thắng chào đồng nghiệp trong khu cách ly
TP - Hai ngón tay xếp hình chữ V là biểu tượng chiến thắng của những người nơi tuyến đầu chống dịch “mặt trận” Quảng Ngãi. Khi họ giơ lên, hướng về nhau cùng ước hẹn chiến thắng đã để lại cảm xúc mạnh, niềm tin và sự ấm áp cho người khác.

Họ là những người đã điều trị và trực tiếp hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID 19 tại Quảng Ngãi, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (cơ sở 2), nơi đang điều trị 4 bệnh nhân COVID-19 (1 chuyên gia người Serbia, cùng 3 bệnh nhân mới người địa phương). 

Nhật ký cách ly

“Ngày 24/7, bệnh nhân 419 đến Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi khám lúc 14h ngày 24/7/2020, gặp tôi đầu tiên. Vì hiểu lầm nên 419 tưởng tôi tiếp nhận bệnh nhân. Lúc đó, xung quanh tôi và em ấy không có đông người, vì bệnh nhân đã tản ra các phòng chờ khám bệnh.

Em ấy rất thành thật, rất hợp tác. Kể cả sau khi biết mình dương tính với SARS - CoV-2, em ấy cũng không hề bỏ trốn như một số lời đồn. 419 có mang khẩu trang, tôi cũng mang khẩu trang, ai từng gặp tôi ở bệnh viện đều biết, tôi luôn mang khẩu trang y tế khi làm việc, kể cả lúc không có dịch. Em ấy nói rằng, em từ Bệnh viện C Đà Nẵng về, sốt, ho, khó thở”. 

Đây là một đoạn nhật ký của Nguyễn Thị Phương Thi, dược sĩ tại Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi. Hiện Thi đang phải cách ly tại ký túc xá Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Một ngày của Nguyễn Thị Phương Thi bắt đầu bằng việc kiểm tra sức khỏe cá nhân và của những người cùng trong khu cách ly. Sau khi hoàn thành công việc chuyên môn, Thi lại tranh thủ chụp ảnh và ghi nhật ký. Thi bắt đầu ghi “nhật ký lấy mỡ đè…COVID” của mình sau ca bệnh 419 - ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng đầu tiên được ghi nhận ở Quảng Ngãi. Thi là một trong những người tiếp xúc gần với bệnh nhân nên cũng thuộc diện phải cách ly.

“Nhớ lại lúc thăm khám xong, xác định sơ bộ ban đầu, bệnh nhân 419 có dấu hiệu của COVID-19, tôi với chị đồng nghiệp muốn xụi luôn. Công việc nhà chưa kịp sắp xếp, con cái chưa kịp gởi gắm. Còn lúc nhận kết quả bệnh nhân 419 dương với COVID thì thôi đừng nói nữa, đồng nghiệp của tôi khóc như mưa, 419 cũng vô cùng suy sụp. Lúc ấy tôi nghĩ, sao hai người khóc dữ thế, vậy rồi sao tôi dám khóc?! Rồi lại phải gồng lên thật mạnh mẽ để hai người đó bớt suy nghĩ, chứ thật sự tôi cũng muốn khóc lắm …”, Thi kể.

“Giờ mọi thứ cũng ổn nên tôi ghi lại nhật ký trong những ngày cách ly, chia sẻ cho mọi người biết tình hình, vừa để động viên bản thân, cũng vừa để mọi người nâng cao ý thức trong phòng chống dịch. Chồng tôi cũng đang phải cách ly sau khi đi công tác ở Đà Nẵng về. Con 2 đứa, đứa lớn gởi về ngoại, đứa nhỏ đang gởi ở nhà bà vú giữ trẻ...”, Thi cho biết.

Biểu tượng chiến thắng nơi tuyến đầu ảnh 1 Chị Hồng Thuyên chuẩn bị kiểm tra nhiệt độ cho bệnh nhân trong khu cách ly
Lo dịch ở bên ngoài khu cách ly

Tại khu cách ly ở ký túc xá Trường Đại học Phạm Văn Đồng, chị Hồng Thuyên đang sốt cao sau nhiều ngày vất vả. Thuyên là điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa TP Quảng Ngãi. Chị không thuộc đối tượng tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID nhưng vẫn xung phong đi cách ly để góp sức cùng mọi người.

“Chồng Thuyên đang đi cách ly, con gửi ông bà… Từ bữa phát hiện có ca dương tính là ở hẳn trong bệnh viện, sau đó chạy qua đây luôn. Mấy hôm nay chắc vất vả, lại thêm quá nắng nóng nên giờ sốt rồi. Hôm qua, còn cầm nhiệt kế điện tử đo cho từng người, nay thì nằm luôn. Khỏe lại thì chắc chị ấy cũng không chịu về đâu”, một đồng nghiệp nói về Thuyên.

Cùng cách ly trong khu ký túc xá Đại học Phạm Văn Đồng còn có bác sĩ Võ Thị Kim Liên. Vợ chồng chị Liên đều là bác sĩ nên thấu hiểu và động viên nhau. Ngay sau khi nghe thông tin, chồng chị Liên đang đi học nâng cao nghiệp vụ ở Huế lập tức về Quảng Ngãi để chăm sóc hai con nhỏ. “Con trai lớn học lớp 8 thì đã hiểu chuyện nên tôi yên tâm. Còn con trai nhỏ 9 tuổi gãy tay và mới tháo bột nên tôi rất lo. Gọi điện thoại cho con, nghe con khóc mà thương. Nó cứ đòi vào thăm mẹ…”, bác sĩ Liên trầm giọng kể.

Tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, hơn 30 nhân lực đang túc trực và hoạt động hết công suất. Đây là nơi duy nhất ở Quảng Ngãi trực tiếp điều trị cho 4 bệnh nhân COVID-19.

Vừa tan ca trực kéo dài 12 giờ, Phạm Nguyễn Vũ Khang cẩn thận thay bộ đồ chuyên dụng rồi trở về khu vực nghỉ ngơi. Việc đầu tiên bác sĩ trẻ 25 tuổi này làm là gọi điện về cho mẹ và bà ngoại. Trực tiếp làm việc trong môi trường cách ly từ ngày 11/7 đến nay, Khang đã quen với từng bệnh nhân và thích nghi với điều kiện mới. Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân, điều Khang quan tâm nhất lúc này là sức khỏe của người thân ở nhà.

“Ba mẹ tôi chia tay từ khi tôi còn nhỏ, tôi ở với mẹ và bà ngoại. Ở trong này, dù trực tiếp điều trị bệnh nhân dương tính nhưng tôi lại ít lo lắng, vì tôi còn trẻ, lại độc thân, cơ chế bảo hộ tốt… Điều lo lắng nhất là diễn biến dịch bệnh ở bên ngoài. Mẹ tôi đã hơn 50 tuổi, ngoại cũng già yếu lắm rồi… Chỉ mong bình yên!”, Khang tâm sự.

Cũng trực tiếp tham gia điều trị cho các ca dương tính, bác sĩ Phạm Trung Hiếu (Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi) vào công tác ở khu cách ly, điều trị cơ sở 2 trung tâm y tế huyện Bình Sơn đã ngót nghét 3 tuần. “Các bác sĩ ở đây luân phiên theo ca để thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn đang điều trị 4 ca dương tính SARS - CoV - 2, trong đó có 1 người là chuyên gia người Serbia, 3 bệnh nhân còn lại là người Quảng Ngãi. Tất cả những vấn đề liên quan đến bệnh nhân, ăn uống, sinh hoạt, động viên tinh thần… đều do nhân viên y tế lo”, bác sĩ Hiếu nói.

Theo chia sẻ của bác sĩ, sức khỏe của bệnh nhân khá ổn. “Sắp tới, tôi vẫn sẽ ở lại để điều trị cho bệnh nhân COVID-19”, bác sĩ Hiếu cười cho biết.

MỚI - NÓNG