Trong ngày thứ hai biểu tình, đám đông ở thành phố Yangon lớn nhất Myanmar đã ăn bận áo đỏ, mang cờ đỏ và bóng bay đỏ, màu của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
Chiều Chủ nhật, chính quyền chấm dứt đợt phong tỏa internet kéo dài một ngày, vốn đã làm bùng phát thêm sự tức giận kể từ cuộc đảo chính hôm thứ Hai tuần trước, sự kiện thu hút sự quan tâm của quốc tế, theo Reuters.
Đám đông từ khắp các ngõ ngách của Yangon hướng về chùa Sule ở trung tâm thành phố, cũng là một điểm tập hợp trong các cuộc biểu tình năm 2007 do các nhà sư Phật giáo chủ xướng và các cuộc biểu tình khác vào năm 1988.
Không có internet và thông tin chính thức khan hiếm, tin đồn lan tràn xoay quanh số phận của bà Suu Kyi và nội các của bà. Cố vấn nhà nước Suu Kyi, 75 tuổi, phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp sáu máy bộ đàm và đang bị cảnh sát giam giữ để điều tra cho đến ngày 15/2. Luật sư của bà cho biết ông không được phép gặp bà.
Chính quyền quân sự ở thủ đô Naypyitaw, cách Yangon hơn 350 km về phía bắc, chưa đưa ra bình luận nào.
Một ghi chép nội bộ cho các nhân viên của Liên Hợp Quốc ước tính rằng 1.000 người đã tham gia cuộc biểu tình ở Naypyidaw trong khi có 60.000 người biểu tình ở Yangon. Các cuộc biểu tình cũng đã nổ ra tại thành phố Mandalay lớn thứ hai và tại nhiều thị trấn trên khắp đất nước với dân số 53 triệu dân.
Các cuộc biểu tình phần lớn diễn ra trong hòa bình, không giống như năm 1998 và 2007.
Nhưng người ta đã nghe thấy tiếng súng ở thị trấn Myawaddy, miền đông nam, khi cảnh sát mặc sắc phục với súng trấn áp một nhóm vài trăm người biểu tình. Chưa có báo cáo về thương vong.
Myanmar đã thay đổi rõ rệt trong một số năm qua kể từ khi quân đội không còn nắm quyền lần cuối, xã hội cởi mở hơn, đầu tư nước ngoài và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Ví dụ, những chiếc thẻ SIM từng có giá 1.000 USD cách đây một thập kỷ nay rẻ và phổ biến, người dân đã nhanh chóng chuyển sang sử dụng internet với các trang mạng xã hội như Facebook.
Quân đội biện minh cho việc tiếp quản quyền lực bằng cáo buộc gian lận bầu cử phổ biến trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020, mang lại cho đảng của bà Suu Kyi thêm một chiến thắng áp đảo và làm tiêu tan hy vọng đối với một số nhân vật quân sự rằng một đảng đối lập mà họ hậu thuẫn có thể nắm quyền qua phiếu bầu.
Nhưng theo các nhà phân tích, một lời giải thích đơn giản hơn là cuộc đảo chính được thúc đẩy bởi quyền lực và tham vọng cá nhân của một chỉ huy quân đội, người cảm thấy mình đang mất kiểm soát và tôn trọng.
“Đây là sự đối đầu giữa hai người không được phép làm tổng thống nhưng đều muốn có chức vị đó: Aung San Suu Kyi và tổng tư lệnh quân đội (tướng Min Aung Hlaing-PV). Và ông ấy đặt tham vọng cá nhân lên trên lợi ích của quân đội và lợi ích của đất nước”, Richard Horsey, nhà phân tích ở Yangon nói với CNN.