“Biệt đội” hái thuốc
Phòng thuốc từ thiện chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) gần như không lúc nào vắng người đến tham gia bào chế thuốc Nam. Chúng tôi có mặt tại Hưng Nghĩa Tự và chứng kiến những người đàn ông độ tuổi 50-60 đang lúi húi bào chế thuốc. Mỗi người lo một công đoạn và phần việc khác nhau nhưng họ phối hợp rất nhịp nhàng. Người cầm rựa chặt thân cây thuốc thân gỗ thành từng đoạn trước khi cho vào máy xắt thành lát, người điều khiển chiếc máy sắc thuốc, người gom những lát thuốc vừa xắt để mang ra sân phơi...
Ông Lê Văn Hiền (ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú) vừa gom những lát thuốc vừa xắt lát từ máy “phun” ra, vừa trò chuyện. Ông cho biết, loại cây thuốc này rất cứng, dát bằng dao rất khó, nhờ có máy nên mọi người đỡ vất vả. “Nhưng thái bằng máy thì phải hết sức cẩn thận. Người ngồi thái phải đưa cây thuốc vào máy liên tục vì không khéo sẽ bị chính cây thuốc đang trong máy làm cho bị thương. Trong khi đó, những lát thuốc vừa được máy xắt ra rất bén, người thu gom phải cẩn trọng và lúc nào cũng phải quay lưng lại với máy để những lát thuốc không bắn vào mặt, mắt”- ông Hiền chia sẻ kinh nghiệm. Ông Hiền có 30 năm làm việc thiện nguyện này và hiện ông cùng với một đội khoảng 20 người khác tham gia vào phòng thuốc từ thiện ở chùa Hưng Nghĩa Tự. Học từ các sư thầy và nhờ kinh nghiệm thực tế nên ông Hiền rất am hiểu về cây thuốc Nam và công dụng chữa bệnh của nó.
Ông kể, ông và những người trong đội lặn lội, rong ruổi khắp các nơi để tìm cây thuốc. Không kể gần xa hay mưa nắng, hễ có ai mách ở đâu có thuốc là các ông tìm đến. “Thường thì tụi tôi kiếm thuốc ở các xã quanh đây, nhưng có khi phải đi tới tận giáp Bạc Liêu để tìm chứ không bao giờ để hết thuốc. Khi người bệnh cần mà không có thuốc thì không được” - ông Hiền nói. Theo ông Hiền, vì hiểu được công việc của các ông nên đi đến đâu tìm thuốc cũng có người chỉ dẫn và xin phép gia chủ hẳn hoi chứ không bao giờ tự ý vào khai thác bừa bãi. Cũng chính vì thế mà bà con rất quý mến. Bất cứ khi nào có thuốc là họ gọi đội của ông Hiền tới lấy.
Ông Hiền kể, trước đây phương tiện đi lại khó khăn nhưng ngày nào cũng có 4 - 5 người trong đội đẩy xe đi kiếm thuốc. Chỗ xa, mọi người hợp đồng xe, chất thuốc lên mui rồi chở về chùa. Suốt hơn 30 năm, ông và các thành viên trong đội đã đi không biết bao nhiêu chuyến hái thuốc, nhưng lần khiến ông nhớ nhất là khi cả đội suýt chết chìm. Lần ấy, ông và khoảng 30 người trong “biệt đội săn thuốc” ở tận Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) trên chiếc ghe 5 tấn. Lênh đênh trên sông nước hàng giờ, khi đến nơi, ai cũng hào hứng lao vào việc. Người chạy lên bờ lủi vô bụi rậm, người nhảy xuống nước chặt rẽ, cây thuốc.
Trong lúc hái thuốc, mấy người trên bờ bị ong đốt chạy tán loạn, có người bị kiến độc tấn công. Còn những người dưới nước, cũng đạp gai la làng. Vậy mà ai nấy ráng làm, tới nỗi ham chặt nhiều, ghe có 5 tấn mà thuốc chở đầy vun, thêm 30 người nữa khiến ghe quá tải ngồi không dám nhúc nhích vì sợ chìm. Đoạn từ thị trấn Đại Ngãi đến huyện Cầu Kè phải ngang qua một con sông lớn. Lúc đi nước ròng, khi về nước lớn lại gặp đúng lúc trời bắt đầu chuyển mưa. Bốn bề âm u, gió thổi ào ào, sóng đánh dữ dội, giữa sông chỉ duy nhất chiếc ghe của những người đi hái thuốc.
“Sóng đánh chiếc ghe tròng trành, nước vô ào ào, ai nấy tái xanh mặt mày. Kẻ tát nước, người run rẩy cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi. Chuyến đó tưởng đâu chết hết cả ghe, nhưng may phước về đến nơi an toàn. Khi hoàn hồn, mọi người chỉ biết nhìn nhau cười, ai cũng nói vừa qua cái đám giỗ hụt” - ông Hiền nhớ lại.
Lương y Nguyễn Văn Nới, người quản lý Phòng thuốc chùa Hưng Nghĩa Tự cho biết, đội sưu tầm thuốc Nam của chùa thành lập đã 62 năm. Mỗi năm, đội mang về hơn 30 tấn thuốc tươi với trên 170 vị thuốc tại đồng bằng và nhiều loại thuốc ở vùng núi khác. Đồng thời, để tạo nguồn thuốc chữa bệnh lâu dài, chùa cũng trồng 1 ha các loại thuốc hiếm, hàng năm thu hoạch hơn 5 tấn. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng trao đổi với phòng thuốc các tỉnh để làm phong phú chủng loại thuốc.
Ông Trường và ông Truyền phát hoang bụi rậm chuẩn bị đào thuốc.
Trả nghĩa xưa
“Mỗi ngày ở chùa bốc khoảng 200 thang thuốc miễn phí cho bà con. Đa số người đến đây bốc thuốc đều bị các bệnh mãn tính như khối u, xơ gan, ung thư, thấp khớp,… phải điều trị lâu dài. Có nhiều trường hợp đã khỏi bệnh và trở lại làm công quả hoặc quyên góp gây quỹ tạo nguồn kinh phí để anh em ở đây hoạt động” - lương y Nới cho biết. Chị Nguyễn Thị Diệu (45 tuổi, ngụ thị trấn Đại Ngãi) là một trong số đó. Năm 8 tuổi, chị Diệu bị bệnh nổi ban đỏ. Ngày ấy, việc đi lại để theo điều trị Tây y rất khó khăn, chị vào Hưng Nghĩa Tự cắt thuốc và bệnh của chị thuyên giảm. Từ đó đến nay, 25 năm trôi qua, sau mỗi sáng buôn bán ở chợ, chị Diệu đều tự nguyện vào chùa tham gia bào chế thuốc. Chị Diệu bộc bạch: “Chiều nào tôi cũng vô chùa thái thuốc, công việc này chẳng những không vất vả mà còn làm tôi cảm thấy vui. Những người tới đây thái, sao thuốc đều tự nguyện, ngay cả con tôi đang là sinh viên, mỗi lần về nhà cũng cùng tôi vào đây chế biến thuốc”.
Nhờ thuốc Nam mà con được cứu sống nên hơn 10 năm qua, ông Trương Văn Truyền (Tràng Thọ 2, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) nhiệt tình tham gia đội sưu tầm thuốc Nam của Trạm y tế phường Tân Lộc. Gia đình ông Truyền sống nhờ mảnh vườn trồng cam. Mỗi tuần ông Truyền dành 3 ngày để chăm sóc vườn tược, chăm lo kinh tế gia đình. Những ngày còn lại ông dành hết vào việc đi tìm thuốc Nam cùng với anh em trong đội. Vừa đi tìm thuốc cùng mấy người trong đội, ông Truyền vừa chia sẻ: “Mười năm trước, lúc con tôi bị bệnh, chữa thuốc Tây không khỏi. Khi chuyển qua uống thuốc Nam một thời gian, bệnh tình con tôi thuyên giảm rồi hết hẳn cho tới nay. Từ đó tôi phát tâm làm công việc thiện nguyện này, vừa để trả cái nghĩa năm xưa, vừa góp sức để cứu sống các bệnh nhân khác”.
Ba năm trước, những cơn đau nhức do bệnh thấp khớp hành hạ khiến ông Hồng Văn Xích, 61 tuổi (phường Tân Lộc) không thể làm bất cứ việc gì nặng nhọc, thậm chí đi lại cũng khó khăn. Sau gần 1 tháng điều trị kết hợp giữa Tây y và dùng thuốc Nam, bệnh tình của ông Xích dần thuyên giảm. “Kiên trì uống thuốc Nam một thời gian, chân tôi giảm nhức nhiều, giờ tôi đi vườn, đi ruộng rất khỏe”- ông Xích cho hay. Hiện ông cùng một số bà con đóng góp tiền để xây dựng kho chứa thuốc Nam và hàng ngày vẫn lui tới Trạm y tế cùng với anh em bào chế thuốc.
Ông Lê Văn Hiền trong kho thuốc.
Hiến đất trồng thuốc Nam
Là người có nhiều năm sưu tầm thuốc Nam cho phòng thuốc của Trạm y tế phường Tân Lộc, ông Trường Văn Trường cho biết: “Ngày xưa cây thuốc Nam mọc hoang nhiều lắm, cứ ra vườn kiếm 1 buổi là đủ dùng cả tháng. Còn bây giờ người ta tận dụng đất trồng cây ăn trái, phun thuốc diệt cỏ nên cây thuốc ngày càng hiếm, phải đi xa mới tìm được thuốc”. Ông Đồng Văn Ty, cùng ở phường Tân Lộc, tiếp lời: “Các loại thuốc hiếm như cây Ô Rô, ở đây không có, tụi tôi phải đi ghe xuống tận huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đem về. Một lần, vào khoảng tháng 8, trên trời thì mưa xối xả, dưới đất nước lênh láng, tụi tôi phải dầm mưa, trầm mình trong nước và chịu lạnh 2 ngày trời để nhổ cây Ô Rô đem về sấy khô kịp bốc thuốc cho người bệnh”.
Không chỉ cho thuốc, người dân còn hiến đất để trồng thuốc. Ông Dương Văn Nuôi (Tràng Thọ 2, phường Tân Lộc) đã hiến 2 công (2.000 m2) đất ruộng đang canh tác để Trạm y tế phường Tân Lộc trồng thuốc Nam. Ông kể: “Trong lúc đi thăm ruộng, các chú trong đội sưu tầm thuốc tới hỏi tôi xin được hái mớ rau bợ mọc dưới ruộng về làm thuốc. Nhiều lần như thế, vợ chồng tôi mới bàn tính và thấy hiện tại gia đình cũng đủ ăn, nên quyết định cho các chú mảnh đất để trồng thuốc Nam chữa bệnh cho bà con”. Bên cạnh việc hiến đất, vợ chồng ông Nuôi thỉnh thoảng còn lui tới phòng thuốc Nam phụ giúp việc chặt thuốc ở đây.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thâu - Trưởng trạm Y tế phường Tân Lộc cho biết, Phòng thuốc Nam của trạm có 27 thành viên, chia làm 2 tổ hoạt động luân phiên các ngày trong tuần để tạo nguồn thuốc chữa bệnh cho bà con. Không chỉ bà con tại địa phương, bà con ở nhiều địa phương khác như Đồng Tháp, Cà Mau, TPHCM,… cũng đến điều trị. “Với phần đất anh Nuôi hiến tặng, chúng tôi trồng các loại rau nhút, rau cần, rau bợ, rau quế,…Loại này nhổ lên, loại khác tiếp tục trồng thế vào để cho nguồn thuốc luôn được đầy đủ, kịp thời đáp ứng cho bà con”- BS Thâu kể.