Biến tướng tuyển sinh ngoài ngân sách

Biến tướng tuyển sinh ngoài ngân sách
Bộ GD-ĐT khẳng định năm 2011 không có hệ đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thế nhưng trên thực tế vẫn có nhiều trường tìm cách lách quy định để tuyển sinh hệ này với những mức thu học phí khá cao.

> Có trường nhận gần 10.000 hồ sơ xét tuyển NV2

Sau nhiều động thái, những thí sinh diện đào tạo theo địa chỉ của Trường ĐH Y dược TP.HCM có thể sẽ trúng tuyển theo diện ngân sách. Trong ảnh: sáng 26-8, nhiều thí sinh và phụ huynh đến Trường ĐH Y dược TP.HCM thắc mắc do “ngỡ đậu thành rớt”. Ảnh: Minh Giảng
Sau nhiều động thái, những thí sinh diện đào tạo theo địa chỉ của Trường ĐH Y dược TP.HCM có thể sẽ trúng tuyển theo diện ngân sách. Trong ảnh: sáng 26-8, nhiều thí sinh và phụ huynh đến Trường ĐH Y dược TP.HCM thắc mắc do “ngỡ đậu thành rớt”.  Ảnh: Minh Giảng.
 

Ngày 13-8, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông công bố điểm chuẩn NV1 và điểm sàn xét tuyển NV2 vào trường. Bảng công bố ghi rõ học viện có hai mức điểm chuẩn áp dụng cho một đối tượng đóng học phí như các trường công lập và một đối tượng tự túc học phí đào tạo. Điểm chuẩn giữa hai đối tượng này cách nhau rất xa.

Hai điểm chuẩn

Tại cơ sở TP.HCM, điểm chuẩn dành cho thí sinh đóng học phí như các trường công lập đều trên 20 điểm thì đối tượng tự túc học phí chỉ 14-15 điểm. Trong khi đó, thông tin xét tuyển NV2 cũng ghi rõ điểm sàn và chỉ tiêu dành cho đối tượng tự túc học phí, không xét NV2 đối với đối tượng đóng học phí như các trường công lập. Theo thống kê, số lượng thí sinh tại cơ sở TP.HCM của học viện đạt từ 20 điểm trở lên chỉ đếm trên đầu ngón tay trong khi chỉ tiêu vào trường lên đến trên 600.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dù công bố điểm chuẩn là 22 điểm nhưng lại chia ra hai mức khác nhau dành cho diện trong và ngoài ngân sách. Cụ thể, những thí sinh đạt từ 23,5 điểm trở lên sẽ trúng tuyển diện ngân sách.

Những thí sinh từ 22-23 điểm trúng tuyển vào diện ngoài ngân sách. Trong tất cả quyết định về điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển, giấy báo nhập học trường đều sử dụng cụm từ “ngoài ngân sách”. Và học phí cho học kỳ 1 của diện này là 11 triệu đồng.

Thế nhưng, đại diện của trường không thừa nhận đó là diện đào tạo theo địa chỉ hay ngoài ngân sách. ThS.BS Nguyễn Thế Dũng - phó hiệu trưởng nhà trường - giải thích do đặc thù của trường là trường địa phương nên UBND TP.HCM chỉ cấp kinh phí đào tạo cho 200 chỉ tiêu ngành bác sĩ đa khoa, số còn lại sinh viên sẽ tự đóng kinh phí đào tạo.

“Thí sinh có điểm từ 23,5 trở lên sẽ được ngân sách hỗ trợ, thí sinh từ 22-23 điểm sẽ tự đóng kinh phí đào tạo” - ông Dũng nói.

Không kịp trở tay

Quy định mới về tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng được đánh giá là rất chặt chẽ, sẽ góp phần siết lại việc tuyển sinh. Tuy nhiên, do được ban hành quá trễ, quy định này khiến nhiều trường ĐH lâm vào thế khó.

Ở thời điểm bộ ban hành công văn, phần lớn trường đã xác định xong điểm chuẩn NV1. Nếu thực hiện đúng theo quy định, việc tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng của nhiều trường ĐH năm nay sẽ không khả thi vì không có nguồn tuyển đúng khu vực và đủ mức điểm chuẩn chung.

Chuyển hướng “vận dụng”

Nhiều trường ĐH khác chuyển hướng sang vận dụng, khai thác chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ sử dụng như một hướng thay thế cho hệ đào tạo ngoài ngân sách.

Trong đó, Trường ĐH Trà Vinh thông báo tuyển 500 chỉ tiêu bậc ĐH đào tạo theo địa chỉ cho bảy ngành.

Tuy nhiên, điểm đào tạo là tại Trường CĐ Cộng đồng Sóc Trăng, Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chi nhánh Long An và Trường trung cấp Kỹ thuật công nghiệp Đồng Nai.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh - cho biết 500 chỉ tiêu đào tạo này nằm trong tổng chỉ tiêu của trường. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đào tạo này hoàn toàn không có công văn đề nghị của UBND các địa phương trên mà theo đề nghị của các đơn vị đào tạo đã nêu.

Khi đặt câu hỏi sinh viên ra trường có được giới thiệu việc làm không, ông Dũng trả lời: “Đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm và họ có nguồn về vấn đề này”. Ông cũng cho biết đây là diện đào tạo không trong ngân sách nên sinh viên sẽ đóng góp kinh phí đào tạo. Như vậy hoàn toàn không có sự ràng buộc nào giữa chính quyền địa phương về đề nghị đào tạo cũng như sử dụng nguồn lao động đã qua đào tạo “theo địa chỉ” này.

Hơn nữa, việc tuyển sinh tương đối thoải mái, tuyển tất cả khu vực và áp dụng điều 33 dù nơi đặt lớp đào tạo là tại TP Biên Hòa và không giới hạn vùng tuyển “theo địa chỉ”.

Tại Học viện Tài chính, trong ngày nhập trường, thông báo về mức học phí phân chia rõ ràng hai đối tượng hệ có ngân sách và hệ ngoài ngân sách, được nhà trường mở ngoặc ghi chú rõ chính là hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong đó, mức học phí của hệ có ngân sách là 150.000 đồng/tín chỉ, hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng là 620.000 đồng/tín chỉ, cao hơn gấp bốn lần.

Trong khi đó, một số trường ĐH lại “lách” bằng cách không thực hiện đào tạo theo địa chỉ sử dụng đối với các địa phương, mà chuyển hướng sang đào tạo cho doanh nghiệp sử dụng lao động như Trường ĐH Mỏ - địa chất ký kết với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa, Trường ĐH Thương mại thỏa thuận với Công ty TNHH nhà nước một thành viên Cơ khí Hà Nội...

Tuy nhiên, các đơn vị đề nghị được đào tạo theo địa chỉ với các trường ĐH này đều không chứng minh được nhu cầu sử dụng nhân lực về số lượng cũng như ngành nghề chuyên môn phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường.

Hơn nữa, nếu đối chiếu theo quy định của Bộ GD-ĐT, quy trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng của các trường này đều không đúng về đối tượng, khu vực tuyển sinh, không hề có văn bản của UBND tỉnh thành nào đề nghị, không có cam kết về hỗ trợ học phí và sử dụng sau khi tốt nghiệp đối với người học...

Địa phương hỗ trợ kinh phí

Ngày 12-8, Bộ GD-ĐT đã phải ra công văn hướng dẫn việc thực hiện tuyển sinh đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Trong đó, bộ yêu cầu rõ chỉ áp dụng tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng cho đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số...

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xác định điểm trúng tuyển chung cho tất cả thí sinh theo đối tượng và khu vực dự thi, không phân biệt thí sinh thuộc diện tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng và thí sinh khác.

Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT còn nêu rõ việc tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng phải căn cứ trên văn bản đề nghị của UBND các tỉnh thành, trong đó làm rõ chỉ tiêu tuyển sinh, ngành và trình độ đào tạo, lập danh sách thí sinh đề nghị được tuyển sinh, có hợp đồng với các trường và hỗ trợ kinh phí cho người học.

Theo Thanh Hà – Minh Giản
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG