Điều đó dấy lên những lo ngại cho nền kinh tế toàn cầu - vốn mới phục hồi sau khủng hoảng.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc là “điểm lửa” không ai mong muốn, vì tác động của nó về cơ bản là tiêu cực tới quá trình thúc đẩy thương mại, đầu tư phát triển toàn cầu. Nhưng trước mắt, các biện pháp Hoa Kỳ áp dụng và các bước trả đũa của các nước đối tác, trong đó có Trung Quốc chưa lớn, nên kinh tế toàn cầu dù bị ảnh hưởng, nhưng chưa quá nhiều tới tăng trưởng kinh tế chung.
Nhưng nếu nhìn tác động từ căng thẳng thương mại Hoa Kỳ với các đối tác theo khía cạnh khác, sẽ thấy những nguy cơ không nhỏ. Khi nó tạo ra tính bất định của môi trường đầu tư thương mại thế giới. Các căng thẳng thương mại cùng với chính sách điều chỉnh tiền tệ của các nước lớn, như Hoa Kỳ vừa qua điều chỉnh lãi suất, đã ảnh hưởng tới việc chuyển dịch dòng vốn và niềm tin của các nhà đầu tư. Thực tế, nó đã tạo ra rung lắc nhất định của thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam những ngày gần đây.
Hiện cũng có các kịch bản khác nhau về căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các nước đối tác, các căng thẳng đó sẽ leo thang thành chiến tranh thương mại, hay các bên sẽ dừng lại đàm phán, điều chỉnh về một mức cân bằng khác vẫn còn bỏ ngỏ. Về dài hạn, căng thẳng thương mại càng leo thang sẽ càng ảnh hưởng tới sự phục hồi và tăng trưởng toàn cầu, kéo theo dòng đầu tư giảm, thương mại thế giới sẽ giảm theo.
Hiện Việt Nam đã là nền kinh tế mở, nên càng dễ nhận thấy tác động của chính sách tiền tệ các nước lớn (đặc biệt Hoa Kỳ), và các căng thẳng thương mại toàn cầu (theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới: Việt Nam có độ mở thương mại đứng cao thứ 3 ở châu Á và thứ 8 thế giới - PV).
Nhìn chung, chúng ta không mong muốn căng thẳng thương mại xảy ra, vì cơ bản chúng ta không có lợi. Tuy nhiên, trong cái rủi cũng có cái may, cái cần quan tâm. Đây cũng là dịp tốt để chúng ta đánh giá lại khả năng chống chịu biến động, hiệu quả của các giải pháp giảm thiểu rủi ro; các giải pháp chuyển đổi thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu dựa vào việc tận dùng các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã có. Với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam, nếu làm tốt cải cách, đảm bảo sự ổn định, khi lòng tin thị trường vẫn còn, thì Việt Nam vẫn là điểm sáng để nhà đầu tư lựa chọn. Theo nghĩa nào đó, chúng ta vẫn có lợi.
Các yếu tố bất định của kinh tế toàn cầu đang gia tăng, đây cũng là cơ hội để chúng ta phải tăng cường các giải pháp quản trị rủi ro, ổn định vĩ mô và vi mô để tăng đề kháng cho nền kinh tế. Nhà nước cần tính toán đưa ra các kịch bản khác nhau để chuẩn bị và công bố để doanh nghiệp chuẩn bị, chính các doanh nghiệp cũng cần tiên lượng các kịch bản có thể xảy ra để có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực.