Cuộc sống của bộ lạc Awá trong rừng sâu Amazon đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi con người từ thế giới bên ngoài, đặc biệt là những kẻ chặt gỗ lậu.
Chính quyền chậm chạp
Bộ lạc Awá hiện còn khoảng 600 thành viên, trong đó 100 người chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Họ sống tách biệt thành từng nhóm trong rừng nhiệt đới gần biên giới Brazil - Peru. Trước đây, bộ lạc Awá từng bị đẩy vào bờ vực tuyệt chủng khi bị thực dân châu Âu bắt làm nô lệ và các chủ trang trại chặt phá rừng, chiếm đất sinh sống.
Đến năm 1835, sau nhiều năm bị áp bức, các bộ lạc ở bang Maranhao - Brazil đã cùng nhau nổi dậy chống lại thực dân châu Âu trong cuộc chiến kéo dài 5 năm. Hậu quả là khoảng 100.000 thổ dân thiệt mạng. Sau cuộc chiến đẫm máu này, bộ lạc Awá phải chọn lối sống du mục để tránh bị tiêu diệt. Họ trở thành những thợ săn tài ba và học được cách xây dựng nơi trú ẩn tạm bợ chỉ trong vòng vài giờ để rồi bỏ đi nơi khác không lâu sau đó. Tuy nhiên, với lối sống mới, họ quên cách làm nông và thậm chí là nhóm lửa.
Vào năm 1982, chính phủ Brazil nhận được khoản vay 900 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu (EU) với điều kiện phải bảo vệ vùng đất sinh sống của một số bộ lạc, trong đó có Awá. Từ giữa những năm 1980 đến nay, một vài nhóm thổ dân Awá đã chuyển đến các khu định cư do chính phủ Brazil thiết lập nhằm tránh tác động của thế giới bên ngoài. Một số khác, khoảng 80 người, tiếp tục lối sống du mục.
Do nhà chức trách Brazil tỏ ra chậm chạp trong việc thực hiện cam kết khiến bộ lạc Awá và nền văn hóa cổ của họ có nguy cơ tuyệt chủng. Phải đến tháng 3-2003, sau hơn 20 năm đối mặt áp lực từ các tổ chức như Survival International và Forest Peoples Programme, chính quyền Brazil mới thiết lập khu bảo tồn cho bộ lạc Awá sinh sống, có tên là Arariboia.
Cuộc sống của các bộ lạc như Awá là một phần của rừng Amazon được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, luật pháp chẳng có ý nghĩa gì với bọn tội phạm ma túy, khai thác gỗ và vàng trái phép. Một số liệu thống kê cho biết trong giai đoạn 2003-2010, khoảng 450 thổ dân sinh sống trong rừng Amazon đã bị sát hại. Đến năm 2012, Survival International tuyên bố Awá là bộ lạc "bị đe dọa nghiêm trọng nhất thế giới". Họ liên tục phải chạy trốn bọn tội phạm và tiếng máy cưa.
Khoảnh khắc yên bình hiếm hoi
Nhiếp ảnh gia Charlie Hamilton James của tạp chí National Geographic may mắn có cơ hội sinh sống cùng các thổ dân Awá trong một tháng để ghi lại cuộc sống thường ngày của họ và những hiểm nguy mà họ đang đối mặt. Họ vẫn sống hòa hợp với thiên nhiên. Hầu hết gia đình thổ dân Awá nuôi động vật hoang dã làm thú cưng và đặc biệt, phụ nữ Awá cho chúng bú sữa đến lúc trưởng thành. Họ vẫn đi săn bằng cung tên, lấy mật ong rừng, các loại hạt và sống hoàn toàn dựa vào nguồn nước và tài nguyên mà cánh rừng mang lại cho họ.
Khi thổ dân Awá xuống sông ngâm mình vào buổi sáng, mọi nỗi sợ hãi và lo toan trên gương mặt của họ đều tan biến. Họ sử dụng quãng thời gian này để thư giãn và lên kế hoạch cho ngày sắp tới. Cảnh tượng thổ dân Awá tắm cho thú cưng khiến nhiếp ảnh gia Hamilton James bị mê hoặc. "Đó là khoảnh khắc đẹp và ăn ảnh nhất. Thật tuyệt vời khi được đứng đó chụp ảnh mà không bị bất cứ ai làm phiền" - nhiếp ảnh gia James chia sẻ.
Bằng việc ghi lại những khoảnh khắc yên bình và thư thái như trên, ông James hy vọng sẽ làm bật lên được lòng nhân ái và niềm hạnh phúc của người thổ dân ở rừng Amazon dù họ luôn bị nguy hiểm rình rập. "Họ sớm muộn gì cũng chẳng còn thức ăn, chẳng còn đất để mở rộng. Trong một năm tồi tệ, họ mất 1/3 diện tích rừng đang sinh sống do hỏa hoạn. Thật khủng khiếp" - ông James nói.
Hơn 75% diện tích rừng tại Maranhao đã biến mất và những cây gỗ quý nhất chỉ còn lại ở khu bảo tồn Arariboia, nơi bộ lạc Awá sinh sống cùng một bộ lạc khác là Guajajara. Ông Tainaky Tenetehar, một thổ dân Guajajara, cho biết ông cùng với những người khác sống tại khu bảo tồn đã lập một nhóm bảo vệ rừng.
"Nếu không phải chúng tôi, ai sẽ chiến đấu để bảo vệ những thổ dân sống tách biệt? Những kẻ chặt trộm gỗ đang tiến vào khu vực xung quanh khu bảo tồn Arariboia. Mục đích của chúng là tiến vào trung tâm Arariboia. Khi bọn họ tiến vào, những thổ dân sống tách biệt không còn lựa chọn nào khác ngoài chạy trốn" - ông Tenetehar nói. Ông cũng cho biết nhóm của ông đã đốt xe tải của những kẻ chặt gỗ lậu, cướp vũ khí và cưa máy để chúng phải sợ hãi.