> Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc
> Quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột
Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 5 “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” diễn ra từ ngày 11 đến 12/11 tại Hà Nội. Hơn 200 đại biểu là các học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ trong nước và quốc tế, cùng đại diện của các ngoại giao đoàn tại Việt Nam tham dự 9 phiên họp, đưa ra những kiến nghị mới để đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, ông Đặng Đình Quý, cho rằng, 5 năm qua, tình hình biển Đông và những vấn đề liên quan biển Đông có nhiều thay đổi, cộng đồng khu vực và quốc tế đã nhận thức được tầm quan trọng của biển Đông.
Trên cơ sở nhận thức đó, nhìn chung, các bên đã kiềm chế, không để xảy ra xung đột, đồng thời, thúc đẩy hợp tác để kiềm chế xung đột. Tuy nhiên, nhiều bên còn theo đuổi lợi ích trước mắt, diễn giải khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn việc xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên biển Đông.
Theo ông Quý, biển Đông trong 5 năm tới tiếp tục tiềm ẩn nhiều bất trắc, và vẫn là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã xuất hiện và gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan có phần suy giảm. Cùng với những mặt chưa tích cực của tình hình trong 5 năm qua, những xu hướng này sẽ làm cho tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.
ASEAN gia tăng nỗ lực
Thông điệp của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh (được Phó Tổng thư ký ASEAN Nyan Lynn chuyển giúp tới Hội thảo) khẳng định, ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông vì ASEAN có 8 nước ven biển Đông, trong đó 4 nước có yêu cầu chủ quyền lãnh thổ tại đây. Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì vậy, ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc.
Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển Liên Hợp Quốc. GS Clive Symmons (Ireland) khẳng định, học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại, nên “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc “liếm” gần hết biển Đông không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử. GS Symmons nói Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của “Đường lưỡi bò”. |
Thông điệp nhấn mạnh, một ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực, thực thi hiệu quả các nguyên tắc được nêu trong Hiến chương ASEAN, sẽ giúp ASEAN có vai trò và đóng góp tích cực cho việc kiểm soát cũng như tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp biển Đông.
ASEAN đã có nhiều nỗ lực để tạo ra một khuôn khổ đáng tin cậy để các bên liên quan đối thoại và hợp tác. Nhờ những nỗ lực nhất quán và thiện chí của các bên, trong năm 2013, ASEAN và Trung Quốc đã khởi động tham vấn COC với nội dung toàn diện và có tính ràng buộc về pháp lý.
Trong thông điệp của mình, ông Lê Lương Minh khẳng định, thời gian tới, ASEAN tiếp tục thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán COC.
Theo nhiều học giả, ASEAN và Trung Quốc đang hợp tác trên cả một số lĩnh vực khác, không chỉ ở vấn đề biển Đông, như hiệp định tự do thương mại. Mới đây, Trung Quốc đề xuất một hiệp định hữu nghị và hợp tác mới với ASEAN cùng nhiều ý tưởng hợp tác khác. Giới lãnh đạo mới của Trung Quốc đã đưa ra một loạt đề nghị, sáng kiến mới, trong đó có sáng kiến khai thác chung trên biển Đông. Chuyến thăm thành công của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới một loạt quốc gia Đông Nam Á cũng là một minh chứng.
GS. Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhận định, ASEAN đã có động thái tích cực khi củng cố được đoàn kết nội khối và khởi động tham vấn với Trung Quốc về COC.
Theo GS Thayer, Indonesia, Brunei và Thái Lan đã có vai trò quan trọng giúp ASEAN lấy lại được đoàn kết và uy tín trong vấn đề biển Đông. TS Ralf Emmers, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), cho rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ở biển Đông sẽ tiếp tục diễn ra trong những năm tới, nên ASEAN cần duy trì đoàn kết, nếu không sẽ mất vai trò ngay chính tại các diễn đàn mà ASEAN lâu nay vẫn chủ đạo.
Bên cạnh những nỗ lực đa phương là nhiều nỗ lực song phương để giải quyết tình hình ở biển Đông. Năm 2013 chứng kiến hai chuyến thăm rất quan trọng, gồm chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc. Trong hai chuyến thăm này, Việt Nam và Trung Quốc đã có những nỗ lực giải quyết căng thẳng trên biển Đông.
Tham vấn COC chưa thực chất
Theo TS Ralf Emmers, thời gian qua có 2 bước tiến triển tích cực. Quyết định của Trung Quốc rằng sẽ bắt đầu tham vấn chính thức về COC là tiến triển lớn. Cuộc tham vấn đầu tiên đã diễn ra vào tháng 9. Tuy nhiên, đây là một quá trình lâu dài. Hơn nữa, vẫn còn khác biệt trong cách tiếp cận khác của ASEAN và Trung Quốc đối với COC.
TS Termsak Chalermpalanupap, Nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Singapore, đánh giá, không có gì mới trong quan điểm của Trung Quốc liên quan COC, nước này chưa đưa ra những cam kết và chính sách mạnh mẽ. Tóm lại, ASEAN và Trung Quốc đã có tiến triển tích cực trên con đường tiến tới COC, nhưng chưa thực chất, TS Chalermpalanupap nhận định.
Ngày 12/11, Hội thảo thảo luận các chủ đề: “Những diễn biến pháp lý gần đây và biển Đông”, “Kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong giải quyết tranh chấp biển”, “Đánh giá DOC và việc thực thi DOC”, “Quản lý căng thẳng và tương lai của biển Đông” và “Khuyến nghị chính sách và thảo luận tự do”. |