Biển cảnh báo

TP - Nửa thế kỉ rồi, tôi vẫn còn nhớ câu thành ngữ gắn với địa danh trên quê: “Nước cầu Trà /Ma Yên Lãng”.
Biển cảnh báo ảnh 1

Minh họa: Đỗ Đức.

Bây giờ về đấy hỏi lớp người sau, không mấy ai biết câu thành ngữ đó, mặc dù cầu Trà vẫn còn và địa danh Yên Lãng vẫn y nguyên trên các văn bản hành chính.

Cầu Trà thực ra chỉ là cây cầu gỗ nhỏ chừng chục mét bắc qua suối Trà, trên quốc lộ 13A nối Thái Nguyên với Tuyên Quang. Cây cầu lúc đó chỉ để người đi bộ qua, còn ô tô loại cam-nhông 4 tấn phải đi xuống ngầm. Con đường từ Bờ Đậu rẽ lên Tuyên Quang chưa đầy 30 km không biết có bao nhiêu ngầm hoặc đập tràn với đủ tên tuổi. Thời kháng chiến thì đường là thứ đường đá rải cấp phối, còn cầu là số không.

Câu thành ngữ chả đả động đến cây cầu mà nói về nước dưới gầm cầu.

Chẳng là thượng nguồn con suối Trà có một rừng lim. Nước lá lim độc lắm. Khi rụng xuống ngâm vào trong nước thì không có loài thủy sinh phù du nào sống nổi. Nước cầu Trà trong veo tới đáy nhưng độc đến độ ai không biết xắn quần lội qua là lông chân rụng hết. Cũng nghe nói vậy, chứ chưa thử bao giờ. Lần đầu đi qua cầu Trà nhìn xuống dòng nước cứ có cảm giác rờn rợn, lo tuột chân xuống dính nước suối thì chết.

Thì ra câu thành ngữ chính là lời cảnh báo!

Suối Trà giờ còn đó nhưng rừng lim ngã xuống lâu rồi. Thân gỗ thì thành tủ thành hòm thành cánh cửa đi tứ xứ. Cây lim trăm năm mới cho gỗ dùng được, nên khi rừng lim bị triệt hạ thì hầu như nó không có cơ hội tái sinh. Bây giờ nước suối Trà vẫn trong nhưng từ lâu đã có cua cá, có phù du, lội qua suối không sợ mất một cái lông chân nào nữa vì không còn nước lá lim. Môi trường đổi thay và câu thành ngữ “Nước cầu Trà ma Yên Lãng” cũng nhạt dần, mờ đi trong tâm thức dân gian vì nó không còn cần thiết trong vai trò cảnh báo nữa.

Nghĩ về những câu thành ngữ, tục ngữ ca dao tôi hay hình dung ra cuộc sống giống như con đường rộng. Trên con đường đó những câu thành ngữ tục ngữ ca dao giống như những tấm biển báo, biển cấm, biển chỉ lối rẽ…, chi tiết đến từng ngõ ngách. Con người thuộc, đọc và hiểu các biển chỉ dẫn thì không bao giờ sợ lạc đường, không dễ bị tai nạn..

Thật đáng yêu những câu thành ngữ tục ngữ, vì nó được sinh ra ngay trong lòng cuộc sống, tự nhiên như hơi thở, sống cùng con người, năm tháng…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.