“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Nhật ký ngày Hòa Bình

Nhà báo Trần Mai Hạnh ( đeo kính) cùng các đồng nghiệp TTXVN trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975 (Nguồn: Văn Bảo/TTXVN-ảnh tư liệu)
Nhà báo Trần Mai Hạnh ( đeo kính) cùng các đồng nghiệp TTXVN trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975 (Nguồn: Văn Bảo/TTXVN-ảnh tư liệu)
“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” được nhà báo Trần Mai Hạnh thai nghén gần 40 năm, khắc họa chân thật về một thể chế sụp đổ như một tất yếu của hòa bình của dâ

Đúng dịp kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), như một món nợ cần phải trả, sòng phẳng, nhà báo Trần Mai Hạnh đã cho ra mắt cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” do Nhà xuất bản chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản và phát hành.


"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là một tiểu thuyết tư liệu lịch sử do nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, người đã có mặt trong những giờ phút thiêng liêng nhất của lịch sử dân tộc, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của một chế độ bù nhìn, tay sai của đế quốc-thực dân và cũng là giờ phút hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Tôi có thể nói là một trong những người đầu tiên có và được đọc cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này khi nó đã là một cuốn sách hoàn chỉnh, được in ấn đẹp bởi một Nhà xuất bản tên tuổi và rất "kỹ tính."

Tôi đọc một hơi hết 10 chương, và ngộp thở-đúng nghĩa đen của khái niệm đó. Và phải một ngày sau tôi mới lại dám đọc tiếp phần còn lại. Để rồi, không biết phải nói gì cho đủ xứng tầm về cuốn sách này.

Không, nó không phải là cuốn sách, dù nó được viết như một dạng sách tư liệu - "biên bản" - như tên sách của tác giả. Bút pháp văn chương và báo chí cũng ở một tầm cao mà người đọc, như là bị cuốn theo một câu chuyện dã sử chương hồi, không thể dứt ra. Nó vừa mang đậm tính trinh thám, mà lại như một phóng sự - một loại hình báo chí được yêu thích nhưng không phải ai cũng thành công trong thể hiện.

Và hơn tất cả, phóng sự đó đã được để gần 40 năm, mới đến với độc giả, sau bao nghiền ngẫm, sau bao thăng trầm của cuộc đời làm báo của tác giả từ khi ông cùng với đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh mùa hè năm 1975 với tư cách một phóng viên chiến trường.

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Nhật ký ngày Hòa Bình ảnh 1

Bìa cuốn sách "Biên bản Chiến trang 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật ấn hành.

Đã gần bốn thập kỷ trôi qua, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 lá cờ cách mạng được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, một ngày Thống nhất, Hòa bình trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, non sông về một mối, bầu bí chung một dòng, dòng máu Lạc Hồng Rồng Tiên vể cùng một cội.

 Gần 40 năm, nhưng những hồi ức về cuộc chiến tranh vẫn chưa phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam, những người lính cộng hòa bên kia chiến tuyến và cả những người dân Mỹ.

Cuốn sách ra đời vào thời điểm mà trên thế giới, tình hình Ukraine đang vô cùng căng thẳng và Mỹ đã đưa quân sát biên giới Ukraine với vai trò sen đầm quốc tế. Nhưng, có lẽ bài học chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ cũ với Mỹ, cũng như những sa lầy ở Iraq, Afghanistan hay tương tự ở Syria... Biết đâu, nó có thể giúp họ nhìn nhận thực tế hơn về vai trò của mình trên trường quốc tế.

Thời gian ngày càng lùi xa thì diễn biến những sự kiện lịch sử ngày ấy càng được sàng lọc, kiểm nghiệm và thông điệp của nó gửi lại càng sâu sắc hơn. Cuốn sách vì những lý do khách quan và chủ quan đã ra đời muộn hơn 10 năm so với dự định của tác giả, nhưng "Tái ông thất mã," nó lại có độ lùi, độ chiêm nghiệm...

Có thời gian để nhà báo - một người có số phận và cuộc đời rất nhiều may mắn cũng như những biến cố trớ trêu của số phận - có mặt ở những thời khắc lịch sử của dân tộc nhưng lại phải mất gần 4 thập kỷ mới có thể ra mắt người đọc "phóng sự" lớn nhất của đời làm báo.

Khác như các cuốn sách, bài báo, nhìn nhận về cuộc chiến thắng hào hùng tháng 4 năm 1975, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo Trần Mai Hạnh đã từ những tư liệu thu lượm được ở mùa hạ đỏ lửa đó để viết lên sự sụp đổ của chính quyền Sài gòn trong chính thể Việt Nam Cộng hòa thời Tổng thống Thiệu.

Những màn kịch chính trị, những toan tính đầy tính cá nhân của cả một chế độ với những con người không hơn những con rối của quan thầy Mỹ và khi bị bỏ rơi, nó không còn có thể nhảy múa, mà về nguyên bản chất là một dúm vải vụn tả tơi...

“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Nhật ký ngày Hòa Bình ảnh 2

Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7/5/1975 sau lễ mít tinh ra mắt của ủy ban Quân quản TP. Sài Gòn - Gia Định (Nguồn: Đinh Quang Thành/TTXVN-ảnh tư liệu)

Cuốn sách được tác giả ấp ủ thực hiện ra đời sau gần 40 năm, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập khi mà ông may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc.

Từng là phóng viên chiến tranh của Thông tấn xã Việt Nam ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975 tác giả được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là đặc phái viên Thông tấn xã Việt Nam đi trong đoàn do đích thân Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt nam khi đó dẫn đầu.

Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo các đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại trận trong quá trình tham gia chiến dịch và trong trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, đặc biệt những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn mà tác giả may mắn được các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác đã giúp tác giả có những tư liệu quý giá, xác thực trong nhiều năm lao động xây dựng nên cuốn sách.

Trên cơ sở những tài liệu nguyên bản, những tư liệu, sự kiện, sự việc có tính xác thực từ phía bên kia được dựng lại xuyên suốt và hệ thống, với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không chen bất cứ bình luận nhận xét cá nhân nào của tác giả, với độ lùi gần bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã phác thảo trung thực, chi tiết, cụ thể nhưng lại rất toàn cục về sự sụp đổ của chế độ ngụy quân ngụy quyền, từ cương vị lớn nhất là tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đến các thủ tướng, phó thủ tướng, các cố vấn, Tổng tham mưu quân đội, đến các tướng lĩnh từ cấp Phương diện quân, quân đoàn, sư đoàn... kế đó là các tổng thống kế nhiệm sau khi Thiệu đào tẩu là Minh Hương và Dương Văn Minh.

Cuộc trường chinh thống nhất đất nước của dân tộc đã được nhìn nhận từ phía bên kia-thông qua các tư liệu có được trong khoảng thời gian bốn tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3 , 4/1975 (từ chiến thắng Phước Long - 1/1975 tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập).

Cuốn sách dầy gần 500 trang, gồm 19 chương: 1- Lễ giáng sinh cuối cùng. 2- Sài Gòn nơm nớp đón Tết Ất Mão. 3- Nước cờ định mệnh. 4-Trên bốn phương trời đi tìm sự thật. 5- Chương bi thảm nhất của chiến tranh. 6-Người Mỹ nghĩ gì đây. 7- Huế ngợp thở. 8- Thiệu lên gân trong cô độc sợ hãi. 9-Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ. 10- Nha Trang tắt thở. Quân đoàn II bị xoá sổ. 11- Sài Gòn bên bờ sụp đổ. Cuộc đấu với Uây-en. 12- Cuộc phòng thủ sinh tử. 13- Chính quyền bán đấu giá. 14- Thiệu như ngọn đèn trước gió. 15- Giờ tận số đã điểm. 16- Thiệu cuốn gói. 17- Sức kháng cự cuối cùng bị nghiền nát. Sài Gòn trống rỗng về chính trị. 18- Chiếc trực thăng cuối cùng. 19- Phút tắt thở của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa.

Cuối mỗi chương tác giả đã ghi chú rõ những tài liệu nguyên bản, bút tích và nguồn tài liệu để tác giả tái dựng nên chương sách đó.

Người đọc như được chiếu sáng bởi một sự thật về một chính quyền tay sai bị "quan thầy" bỏ rơi và đã vơ vét tối đa có thể để "cuốn gói" bỏ lại cả đàn em, đệ tử, họ hàng... Và nhìn thấy một cách rõ ràng hơn về chiến lược quân sự của chúng ta, từ Hiệp định Paris đến cuộc tấn công vào Buôn Ma Thuột, đánh chiếm Phước Long. Nó là một chiến lược sáng suốt và cực kỳ táo bạo, tài tình của Đảng, của quân đội nhân dân Việt Nam gây bất ngờ và khiến ngụy quân hoàn toàn sụp đổ từng tuyến, không cần chiến mà bại.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ chỉ sau 55 ngày kể từ khi quân Giải phóng bắt đầu tấn công. Điều này cũng chứng minh cho căn bệnh mà chính quyền này đã bị nhiễm phải ngay từ khi thành lập là sự manh mún ỷ lại vào chính trị, các lãnh đạo thiếu tầm nhìn, năng lực và chỉ có mục tiêu lớn nhất là tham nhũng tạo nên một chính thể vô cùng yếu kém và hoàn toàn không có khả năng để tồn tại.

Với những chứng cứ không thể bác bỏ, kể cả từ những cuốn hồi ký, tự truyện, sách của những tướng lĩnh bại trận tháng 4 năm 1975 như Phó Thủ tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Cao Kỳ, những lời nói, văn bản của Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên...đã làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân Việt Nam. Nổi bật là quyết định sáng suốt của Đảng, của Bộ Tư lệnh Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam.

"Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được viết lên từ tư liệu dày công thu thập và một khả năng tài tình tiếp cận để đứng từ "phía bên kia" nhìn ra, chi tiết và đầy chân thực. Nó góp phần bác bỏ luận điệu sai trái của những kẻ muốn xuyên tạc lịch sử hòng bào chữa cho thất bại và mưu toan hạ thấp chiến thắng của dân tộc ta.

Cuốn sách ra đời sau gần 40 năm chiến tranh kết thúc, Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua ranh giới cựu thù, đã bình thường hóa quan hệ, trở thành đối tác toàn diện của nhau. Nhiều người phía bên kia chiến tuyến đã từng tuyên bố "tử thủ," "không đội trời chung với cộng sản" đã "quay đầu về núi" để về quê cha đất tổ, không còn thù hằn và đã được Mẹ Tổ quốc mở rộng vòng tay như với những đứa con sai lầm đi xa nay trở về...

Tôi vô cùng tâm đắc với lời phi lộ của nhà thơ, nhà báo Mai Linh: "Lịch sử không bao giờ cũ. Nếu có giá trị về sự thật, lịch sử càng cũ càng mới. Vô giá là đồ cổ!"

Và tôi cũng đồng tình rằng, đây là một cuốn sách "rất đáng đọc." Bởi, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là một bài báo dài, không có một lời bình luận nhận xét, không xen bất cứ ý kiến chủ quan nào của tác giả. Nó phơi bày một sự thật trần trụi và không thể chối cãi, không có khái niệm Thắng-Thua. Mà là sự sụp đổ tất yếu của phi nghĩa và sự chiếm lĩnh đường hoàng, đĩnh đạc đầy tư thế của chính nghĩa, được viết lên từ chứng cứ lịch sử có thật bởi một nhà báo có tâm, có tài.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG