Trước tình trạng bia hơi giá rẻ tràn lan ở thủ đô, để nhận biết các loại bia hơi bằng mắt thường, tránh uống phải bia giả, bia kém chất lượng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Cao Hoằng – Giám đốc trung tâm Phát triển Kỹ thuật và Công nghệ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ông Hoằng chia sẻ cách nhận biết bia an toàn và bia kém chất lượng.
Thưa ông, xin ông cho biết về đường đi của loại bia “cỏ” hay còn gọi là bia gia công hiện nay? Việc sản xuất bia gia công như thế có ảnh hưởng đến chất lượng của bia không?
Ông Nguyễn Cao Hoằng: Từ thời bao cấp, chúng tôi đã phải xếp hàng, xin giấy giới thiệu mới có thể mua được chai bia để uống.
Tuy nhiên, người ta gọi là bia nhưng đó không hẳn là bia, nó là nước nấu từ men, gạo, nhưng tiêu chuẩn an toàn không đạt, chất lượng về bia theo tiêu chuẩn Việt Nam không có. Bia ấy người ta có thể gọi là bia cỏ.
Sau này, có nhiều nhà máy bia thành lập nhưng bia cỏ vẫn tồn tại. Hiện nay, bia cỏ tiêu thụ ở thị trường dành cho người có thu nhập kém, đặc biệt là ở nông thôn. Tôi thấy mùa hè ở Hà Nội xuất hiện nhiều bia giả nhái bia hơi Hà Nội, cộng với nhiều sản phẩm bia cỏ. Vấn đề này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chi cục an toàn thực phẩm và quản lý thị trường cho phép người ta bán hàng như thế nào.
Xin ông chia sẻ kinh nghiệm nhận biết bia đạt chuẩn và bia không đạt chuẩn bằng mắt thường để người tiêu dùng có thể tự phân biệt được bia an toàn?
Ông Nguyễn Cao Hoằng: Đối với người tiêu dùng, họ có thể cảm nhận bằng mắt thường bia ngon và bia không ngon.
Bia ngon, an toàn có màu vàng rơm, màu tươi sáng, độ bọt bám trên thành cốc, bọt nhỏ. Nếu uống bia của hãng nhìn bia thật có bọt mịn, hạt không to, sau một phút thì lượng bọt bám lại trên thành cốc nhiều. Bọt luôn nổi từ dưới đáy cốc lên trên.
Nếu lượng bọt không bám trên thành cốc là hàm lượng CO2 không đạt, lên men ngắn nên tạo ra bọt to hạt và các loại độc tố vẫn còn. Tôi còn chưa kể người ta bỏ thêm một vài độc tố để tăng độ cồn. Bia có màu ngả sang hơi đỏ, đục là có vấn đề về chất lượng. Bình thường bia ngon bản thân chai bia không có cặn, mắt thường không nhìn thấy. Nếu bia có cặn là bia giả.
Còn nhận biết bằng vị giác, bia an toàn người sử dụng có thể cảm nhận vị bia thơm và có vị đắng một chút.
Nhiều người cứ nhìn vỏ chai để đoán chai bia giả, bia thật nhưng điều đó không đúng vì để làm chai bia giả rất khó. Từ trước đến nay bia giả chỉ xuất hiện ở khu vực không đàng hoàng. Người tiêu dùng không nhận biết được thương hiệu các loại bia. Còn ở nơi phát triển, người tiêu dùng mở chai biết bia giả, bia thật.
Để sản xuất được bia ngon, quy trình cũng như thiết bị sản xuất phải đảm bảo điều gì thưa ông?
Ông Nguyễn Cao Hoằng: Tất cả các quy trình sản xuất bia là giống nhau. Song sản xuất trên nền thiết bị khác nên chất lượng khác nhau. Sản xuất bia chuẩn hay tính theo suất đầu tư. Sản xuất mười triệu lít thì đầu tư mười triệu USD. Bản thân mỗi công ty ra sản phẩm phải chuẩn.
Tôi chỉ kể ra công đoạn đóng chai để mọi người dễ hiểu. Ngay cả công tác thu gom chai bia cũng được họ làm rất kỹ. Thông thường, chai bia thu về được sử dụng 4 lần. Họ có cả quy trình rửa chai, hút chân không để rót bia vào chai rồi lại hút chân không thêm một lần nữa để đảm bảo trong môi trường chai bia không còn oxy.
Người Việt mình tự hào chi 3 triệu USD mỗi năm cho uống bia, ông đánh giá về khả năng uống bia ở Việt Nam như thế nào?
Ông Nguyễn Cao Hoằng: Sản lượng bia ở nước ta đạt 3,8 tỷ lít/năm, chia trên đầu người là 35 lít/đầu người không phải là con số lớn. Ở Đức con số này là 70 lít/đầu người dân. Singapore sản xuất bia còn nhiều hơn ở Việt Nam mặc dù dân số họ ít hơn. Vì ngành này là một trong ngành thu lại lợi nhuận tốt cho nhà nước.
Vấn đề không phải là sản lượng bia, mà là cách uống bia có kiểm soát và có văn hóa hay không. Xã hội khác họ nhận thức được uống bia một cách văn minh. Còn Việt Nam uống bia là vô độ, không có điểm dừng. Tác hại là ở chỗ đó.
Xin cảm ơn ông!
Theo Khánh Ngọc