Bị 'tố' vẽ điều kiện kinh doanh: Bộ Công Thương nói gì?

Bị tố vẽ thêm giấy phép con, Bộ Công Thương cho hay sẽ nghiên cứu sửa.
Bị tố vẽ thêm giấy phép con, Bộ Công Thương cho hay sẽ nghiên cứu sửa.
TPO - Bộ Công Thương cho hay sẽ nghiên cứu sửa trước ý kiến cho rằng Bộ này "vẽ" thêm giấy phép con trong quản lý chợ, siêu thị.

Trong văn bản gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Ban pháp chế của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện AVR cho hay đã tham vấn ý kiến các doanh nghiệp trong ngành và nhận thấy mục tiêu xây dựng nghị định đang có vấn đề, chưa thuyết phục.

Cụ thể, theo nội dung ban đầu và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ có trách nhiệm rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị định 02, Nghị định 114 và đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, việc Bộ Công Thương sốt sắng mở rộng các quy định là quá đà.

Theo AVR, ngoài vấn đề về phát triển và quản lý chợ, mục tiêu được nêu trong Dự thảo bao trùm toàn bộ các vấn đề về “phát triển và quản lý ngành phân phối”. Dự thảo xây dựng và đề cập các quy định liên quan việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan cũng như cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Cũng theo AVR, hiện vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng và thống nhất về khái niệm “ngành phân phối” ở nước ta. Tuy nhiên nếu tham khảo phân loại của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, “phân phối” là ngành dịch vụ và bao gồm 4 phân ngành: Bán buôn - Bán lẻ - Nhượng quyền thương mại và Đại lý.

Việc Dự thảo Nghị định muốn xây dựng chính sách cho toàn bộ hệ thống phân phối ở Việt Nam, nhưng các nội dung hiện tại của Dự thảo chưa có phân tích nào về toàn bộ hệ thống phân phối mà mới có chi tiết ở hình thức “chợ”, thiếu vắng nội dung về các hình thức phân phối – bán lẻ khác ngoại trừ một vài nội dung rất chung chung về “siêu thị,  trung tâm thương mại” làm cho các nội dung điều chỉnh ở các phần sau không đầy đủ, vừa thừa vừa thiếu ...

Liên quan đến các quy định về siêu thị và trung tâm thương mại do Bộ Công Thương xây dựng, AVR cho rằng, quy định “Tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2” là không thực tế. Quy định này áp dụng sẽ giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ. Bộ Công Thương cũng không nên quy định “mức trần” diện tích cho các siêu thị.

Đánh giá về nội dung Dự thảo “Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối”, AVR cho rằng, quy định trên không phù hợp thực tế, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ngược chiều với thông lệ quốc tế.

Cũng phản biện khá gắt các điều kiện kinh doanh trong dự thảo, trong văn bản của mình, VCCI cho rằng, các đề xuất mới của Bộ Công Thương có bóng dáng như một dạng giấy phép con mới và còn can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.

Liên quan đến những phản hồi của các doanh nghiệp, hiệp hội và VCCI về những bất cập trong dự thảo, Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng “nói lại”về việc này. Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định này là dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070của Văn phòng Chính phủ.

Căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sau khi tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Vụ Thị trường trong nước cho hay, đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.

Khi đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định . Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối. Các quy định cũng giúp bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

“Bộ Công Thương hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Vụ Thị trường trong nước cho hay.

MỚI - NÓNG