Anh Hồ Xuân Vinh, Phó GĐ Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu (Nghệ An): Cần giải pháp về vốn và quỹ đất
Hiện thanh niên có xu hướng quay trở về quê nhà lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, để khởi nghiệp ở nông thôn phải có vốn, đất đai… Trong khi nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp qua Ngân hàng chính sách xã hội nhưng chưa nhiều.
Vì thế, T.Ư Đoàn có thể thành lập một quỹ khởi nghiệp nông thôn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Quỹ này do T.Ư Đoàn chủ trì, có nhiều nhà đầu tư góp vốn, có ban điều hành, có các chi nhánh ở các tỉnh, thành Đoàn.
Cùng với vốn là vấn đề đất đai, mặt bằng cho thanh niên khởi nghiệp đang rất thiếu. Cần có những gói ưu đãi cho thuê đất (đất công nghiệp tại các cụm công nghiệp, làng nghề; đất nông nghiệp tại vùng nông thôn phát triển kinh tế nông nghiệp), để bạn trẻ có thể tiếp cận, được ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó, cơ chế dồn điền đổi thửa thuận lợi hơn, để những mô hình thành công ở nông thôn có thể quy tụ được quỹ đất lớn hơn, mở rộng sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, hiện tại đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp rất ít trường hợp được cho thế chấp vay vốn. Tôi cho rằng, cần gỡ khó “điểm nghẽn” này, giúp thanh niên có thể sử dụng đất nông lâm nghiệp để thế chấp tại ngân hàng vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Chị Lê Thị Ly Na, chủ cơ sở sản xuất trà mãng cầu Anna Food (Đắk Nông): Huy động các nguồn lực hỗ trợ giới trẻ
Giới trẻ nông thôn có rất nhiều ý tưởng, sức sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Càng ở môi trường khó khăn, khát khao làm giàu của bạn trẻ càng lớn. Tuy nhiên, các bạn trẻ ở nông thôn rất cần được định hướng, hỗ trợ cả về nguồn lực và phương pháp để thúc đẩy các mô hình khởi nghiệp thành công.
Là người con vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió, tôi càng thấm thía điều đó. Tôi bén duyên với trà mãng cầu xiêm trong một lần sang Singapore. Nhìn thấy loại quả trồng nhiều ở quê nhà được phổ biến ở nước bạn với giá trị rất cao, tôi lên ý tưởng khởi nghiệp. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm ra công thức, quy trình chế biến chuẩn.
Trong hành trình khởi nghiệp, tôi nếm trải không ít thất bại. Rất may, tôi được gia đình đồng hành hỗ trợ; được tổ chức Đoàn Thanh niên quan tâm, tạo điều kiện vay vốn theo đề án 120 với 98 triệu đồng để mở rộng vùng nguyên liệu.
Do đó, tôi mong muốn, tới đây các cấp bộ Đoàn, đặc biệt là Đoàn cơ sở (đơn vị gần nhất với thanh niên) tiếp tục hỗ trợ, tạo thêm nhiều cuộc thi khởi nghiệp thanh niên, huy động kêu gọi nguồn lực để hỗ trợ giới trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp.
Thượng úy Nguyễn Thiện Phước Tân, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Đồng Tháp: Tận dụng mạng xã hội
Sau thời gian giãn cách xã hội, số người dân và nhất là người trẻ sử dụng mạng xã hội, làm việc trực tuyến tăng cao. Nhiều hoạt động từ môi trường thực được đưa lên môi trường ảo.
Bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay phát tán những thông tin sai sự thật, xấu độc trên không gian mạng cũng diễn biến hết sức phức tạp, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân. Trong đó, không ít thanh thiếu niên, những người chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm sống đã trở thành “con mồi” được các đối tượng này hướng đến.
Ngoài các giải pháp tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống đã được triển khai, tôi mong Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn định hướng một số giải pháp giúp các bạn trẻ hiểu đúng, có kiến thức đầy đủ để nhận diện và cảnh giác phòng ngừa các loại tội phạm này, không để các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo, lừa đảo. Đồng thời hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tận dụng không gian mạng để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.