Người dân trào nước mắt
Tại buổi tiếp xúc, ban tổ chức đã nhận được hơn 150 phiếu đăng ký phát biểu ý kiến của các cử tri. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay trong các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, trong đó hầu hết các ý kiến bức xúc liên quan đến việc giải tỏa đền bù, thu hồi đất tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (ĐTMTT) và chưa đồng tình với thông báo kết quả kiểm tra, giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ.
Cử tri Cao Thanh Ca (phường Bình Khánh) đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội đưa vụ Thủ Thiêm vào nghị trường kỳ họp Quốc hội để làm rõ những sai phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong quá trình giải toả, đền bù, thu hồi đất của người dân. “Thành phố đừng xin lỗi người dân nữa, hãy xử lý cán bộ sai phạm. Tại sao người làm sai không đứng ra xin lỗi mà để người khác xin lỗi. Chúng tôi không cần xin lỗi. Mỗi lần xin lỗi là một lần xát muối vào nỗi đau của chúng tôi”, ông Ca nói.
Cử tri Nguyễn Thị Cẩm Mỹ (phường An Lợi Đông) bức xúc: Không có dự án thì chúng tôi vẫn có nhà để ở, có ruộng để làm. Vì dự án này, chúng tôi mất nhà, con không được đến trường, không còn ruộng để làm. Gia đình phải đi làm thuê, ở nhà thuê.
Cử tri Phan Thị Thủy (phường An Phú) nhớ lại: UBND quận đòi cưỡng chế lấy lại căn nhà tạm cư. Chồng tôi là thiếu tá công an, chỉ vì tôi đi khiếu nại mà bị cơ quan kỷ luật. Anh ấy uất ức đã treo cổ trong chính căn nhà tạm cư xập xệ đó… “Tôi khiếu nại 18 năm rồi chưa giải quyết, để chồng tôi uất ức mà chết. Vậy mà chính quyền đuổi chúng tôi ra đường…”, bà Thủy khóc.
Cử tri Mai Thị Cánh (phường Bình Khánh) nói nhà bà trước kia nằm ở mặt tiền đường Lương Định Của, gồm 8 phòng trọ, một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Bà không đồng tình giao đất cho dự án và kiện ra tòa, xử sơ thẩm, phúc thẩm đều bị bác đơn nên vào năm 2016 phải giao mặt bằng. Thu hồi đất năm 2016, địa phương tính theo giá đất năm 2002 và trả hơn 32 triệu đồng/m2. Đất nhà bà bây giờ nhà đầu tư bán lại với giá 400 triệu đồng/m2.
“Cả hai vợ chồng tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ. Lãnh đạo UBND quận vận động tôi cứ bàn giao nhà đất đi, quận sẽ cho hai nền đất nhưng giao đất rồi thì không thực hiện lời hứa. Đến lúc Bí thư thành ủy xuống gặp dân hôm trước, hôm sau quận cho người cầm sổ đỏ của hai nền nhà đến nhưng chúng tôi không nhận”, bà Cánh cho hay.
Cử tri Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) tiếc nuối: Nếu 15 năm trước, Thanh tra Chính phủ vào cuộc thì hậu quả sẽ không nặng nề như hôm nay. “UBND TPHCM là một chủ đầu tư siêu quyền lực vì có thể tự ban hành quyết định quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường giải tỏa, di dời dân và cưỡng chế tháo dỡ… Chức năng của UBND TPHCM là quản lý nhà nước chứ không phải kinh doanh”, bà Mỹ nhận xét.
Thành ủy sẽ giải quyết rốt ráo
Cử tri Phạm Văn Thoi (phường Cát Lái) nói trong dự án khu ĐTMTT, TPHCM đem con bỏ chợ; cụ thể là chính sách sau tái định cư không tìm hiểu cuộc sống của những người dân bị giải tỏa đang ở đâu, làm gì; cuộc sống có khấm khá hơn hay ít nhất là ai còn, ai mất. Việc nhiều năm khiếu kiện nhưng không được giải quyết thỏa đáng làm người dân mất niềm tin. “Đau khổ nhất, mất nhiều nhất là mất niềm tin. Niềm tin đã mất thì rất khó lấy lại. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án chứ không chỉ xem xét một vài ý kiến khiếu nại. Chỉ thanh tra toàn diện mới làm rõ tất cả các sai phạm”, ông Thoi nói.
Đồng tình, cử tri Nguyễn Văn Học (phường Cát Lái) đặt vấn đề: Thành phố, quận, phường đều có tổ chức HĐND, có các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc… và hoạt động tốt, vì sao không giám sát, không phát hiện được sai phạm trong dự án khu ĐTMTT?
Trả lời các cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho hay chưa bao giờ Ban Thường vụ Thành ủy làm việc rốt ráo, tập trung giải quyết vụ việc ở Thủ Thiêm với cường độ cao như hiện nay. Trong vòng 5 tháng qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã có 6 cuộc họp tìm hướng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm. “Theo kế hoạch thì chậm nhất là đến ngày 15/7, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận thanh tra dự án Khu ĐTMTT. Thành phố cũng đã chuẩn bị các công tác giải quyết. Tuy nhiên, đến tháng 9, Thanh tra Chính phủ mới thông báo kết quả thanh tra, việc triển khai các kế hoạch bị chậm hơn”, ông Nhân lý giải.
Liên quan đến khu tái định cư 160 ha bị “xẻ thịt”, Bí thư Thành ủy TPHCM cho hay, trước khi trình Chính phủ bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/2000, UBND TPHCM lại không trình bản đồ quy hoạch 1/5000. UBND TPHCM cũng không trình 160 ha tái định cư mà chỉ trình có… 42ha. Phần còn thiếu (hơn 113 ha) không báo cáo Thủ tướng chính phủ.
“Điều đó là sai. Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố thấy được trách nhiệm của thành phố qua các nhiệm kỳ và sẽ yêu cầu những cá nhân liên quan đến sai phạm phải kiểm điểm trách nhiệm trong tháng 11. Kiểm điểm xong, mức độ sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Những người có sai phạm chắc chắn sẽ bị xử lý”, ông Nhân cam kết.
Vị lãnh đạo cao nhất TPHCM cho hay đối với kiến nghị của người dân về xử lý hình sự các cán bộ sai phạm thì sắp tới các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm. Ban Thường vụ thành ủy sẽ có trách nhiệm bảo vệ công lý cho người dân Thủ Thiêm. “Tôi rất buồn, rất đau. Từng gia đình, từng con người là những cuộc đời, số phận cụ thể. Hôm nay còn nghe có người tự vẫn… Thành phố rất đau. Đó không chỉ là nỗi đau của bà con. Chúng tôi cam kết sẽ cùng Thành ủy giải quyết rốt ráo”, ông Nhân bày tỏ.