Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi người dân tố cáo tiêu cực thi công chức

Bí thư Thành ủy Hà Nội kêu gọi người dân tố cáo tiêu cực thi công chức
TP - Liên quan tiêu cực trong thi tuyển cán bộ công chức tại huyện Ứng Hòa vừa qua, Bí thư Phạm Quang Nghị đã dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi. Ông Phạm Quang Nghị kêu gọi những người biết được thông tin cần mạnh dạn tố cáo, cung cấp tư liệu để thành phố xử lý triệt để vụ việc.

> Thi công chức: Không được luân chuyển khi liên quan tiêu cực
> Lần đầu tiên thi công chức nhà nước trực tuyến

Ông Nghị nói: Việc thi tuyển công chức, viên chức của Hà Nội, thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải làm rất nghiêm túc.

Trên thực tế khi thành lập các hội đồng cấp thành phố, thường trực Thành ủy giao một trong những nhiệm vụ hàng đầu là phải ngăn không để xảy ra tiêu cực ở tất cả các khâu, từ tuyển nhận hồ sơ, ra đề thi, coi thi, chấm bài. Có điều thực tế, tiêu cực hay không tiêu cực đều do con người mà ra cả thôi.

Chỉ đạo là vậy, quy định chặt vậy nhưng nếu từng con người cụ thể mà không nghiêm túc thì họ vẫn có thể tìm cách lách cho bằng được.

Vậy Hà Nội đã làm gì sau khi Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Trần Trọng Dực phát biểu trước HĐND thành phố về tiêu cực trong thi tuyển công chức, thưa ông?

Sau khi có ý kiến phát biểu của đại biểu HĐND, thành phố yêu cầu kiểm tra, phải rà soát, phải xem lại các bài đã chấm xem đánh giá khách quan cho điểm như vậy đã công bằng, chính xác chưa? Trước hết là tiến hành kiểm tra ở những mục có thể giám sát được. Nếu bài chất lượng kém mà lại cho điểm cao lên là có vấn đề cần phải xem xét lại.

Thưa ông, hiện chưa phát hiện được việc đưa, nhận tiền trong thi tuyển công chức. Dường như việc này không dễ xác định?

Thành phố rất khuyến khích ai phát hiện, biết được người này người kia đưa tiền và mạnh dạn tố cáo, cung cấp tư liệu. Tôi khẳng định, trường hợp đó sẽ xem xét có thể không xử lý người đưa tiền mà chỉ xử lý người nhận tiền. Nhưng theo thông tin tôi biết là cho đến nay vẫn không có ai thừa nhận cả.

Như vậy có hai trường hợp, một là nhờ nhau theo kiểu tình cảm quen thân như cô, dì, chú bác, anh em trong cơ quan nhờ nhau. Hai là có thể có ai đó đưa tiền nhưng bây giờ không dám khai. Còn người đã nhận tiền rồi thì hiếm khi dám nói.

Thưa ông, với cơ chế thi tuyển như hiện nay, nhiều người lo ngại tiêu cực không chỉ xảy ra tại Ứng Hòa?

Trong cái sai của thi tuyển, tổng hợp lại xuất phát từ một trong hai phía. Một là phía người đi thi có ý định gian lận, có ý định tranh thủ, đem bài vào phòng thi.

Thứ hai là từ phía người trông coi giám sát. Nếu chỉ cần một trong hai phía ấy có biểu hiện tiêu cực thì tiêu cực rất dễ xảy ra. Xét về tổng thể, dù quy định chặt chẽ nhưng không thể nói là tuyệt đối không xảy ra tiêu cực.

Thứ hai, có những hạn chế thuộc về cơ chế nếu bản thân những người trong guồng máy này phát hiện ra thì rất dễ bị lợi dụng, sinh ra tiêu cực. Ví dụ như quy định thi vấn đáp chỉ có hai thầy một trò, nên nếu như thầy muốn cho ai đỗ thì rất có thể sẽ gợi ý hoặc thông báo trước “lát nữa tôi hỏi câu này, câu kia”.

Ngược lại nếu người thầy muốn thải loại ai đó thì có thể hỏi những câu mà người thi không có khả năng trả lời được điểm cao.

Quan điểm chỉ đạo của thành phố về xử lý tiêu cực trong thi tuyển công chức là gì?

Thành phố yêu cầu phải làm nghiêm, phải rà soát từng quy trình thủ tục. Trong chỉ đạo của thành phố nếu cần thì phải đề nghị lên bộ ngành trung ương điều chỉnh về quy trình thi vấn đáp đang bất hợp lý và là một khe hở.

Thứ hai là phải có cơ chế công khai minh bạch, cho phép người dân được quyền tố cáo, phát hiện. Trong việc kiểm tra rà soát, nếu có đủ căn cứ, thành phố sẽ xử lý rất nghiêm.

Cảm ơn ông.

Minh Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG