Theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, trong việc tiết kiệm chống lãng phí, nhiều đơn vị cứ bảo là làm hết rồi, không còn gì có thể làm hơn được nữa nhưng thực tế là còn rất nhiều nội dung có thể tiết kiệm được.
“Hôm nay đi họp, Thành ủy cùng UBND, HĐND đi xe chung hết. Cũng là một nội dung chúng ta có thể làm được. Hay như vấn đề chống tham nhũng thì chúng ta theo dõi thường xuyên các cán bộ, đảng viên, việc luân chuyển các vị trí công tác mà có nguy cơ tiêu cực, tham nhũng. Cái này liên quan đến công tác cải cách hành chính chúng ta thực hiện nên cần quan tâm”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, thực hiện cải cách hành chính hiện nay là một trong những động lực để phát triển. “Sóc Sơn cũng mong muốn thu hút đầu tư, giúp đỡ để phát triển… nhưng không gì bằng việc bộ máy của chúng ta, cơ quan công quyền hoạt động có hiệu quả, minh bạch. Họ sẽ tự đến, đất lành chim đậu mà.
Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc
Thành phố gọi thế nào đi nữa mà lãnh đạo huyện cứ “ầm ầm”, gọi điện không tiếp, xuống dưới phòng ban không ai làm việc, không ai tiếp thì sao được. Hay là có ông ở xã, phường vừa bị kỷ luật vì đóng cửa đi nghỉ mát đấy. Ví dụ như thế thì ai người ta đến làm. Tôi muốn nói là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt chính, cải cách hành chính sẽ thu hút được nhà đầu tư”, ông Hải nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, hạ tầng bao giờ cũng phải tính trước, nghĩ trước, đi trước một bước. “Nếu chậm là chết. Chúng ta đã bị thế nhiều rồi, bóc ngắn cắn dài. Ví dụ hệ thống điện chẳng hạn, làm xong trạm biến áp, vừa mới khai trương đã quá tải”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng lấy ví dụ về sân bay Nội Bài vừa khánh thành nhà ga T2 đã phải nghĩ ngay đến việc xây dựng nhà ga T3. “Ngay như sân bay Nội Bài, vừa thiết kế xong nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn dự tính của chúng ta, và bây giờ phải tính đến làm nhà ga T3 rồi. Nếu không tính sớm, thì sau này lại như sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Hải nói.
Liên quan đến các kiến nghị của huyện về bãi rác Nam Sơn, ông Hải cho biết, về cơ bản đã đáp ứng các lời hứa với người dân. “Còn mấy nội dung lớn, đòi hỏi nhiều tiền phải quyết tâm để làm. Xe rác mà đi cả trăm cây số thì có vấn đề về mùi, bụi... Thứ hai là quá tải. Thứ nữa là vẫn phải tiếp tục mở rộng các bãi rác để cho tương lai. Chúng ta cứ ăn đong, chỉ mấy hôm là lại có chuyện, xử lý thế này thì không bài bản. Chúng ta phải tính đến phương án xử lý chất thải rắn cho 50 năm nữa, thậm chí 100 năm nữa”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, thành phố phải thay đổi quan điểm quy hoạch hệ thống xử lý chất thải rắn, sinh hoạt. “Chúng ta đầu tư vào các bãi rác phải đảm bảo bền vững, tin cậy về môi trường. Đó mới là vấn đề. Nếu chúng ta không làm làm được việc đó thì nay ta làm được, mai ta lại vấp phải phản ứng của người dân. Tôi đi tiếp xúc cử tri người dân bảo ông lên đấy mà sống. Chẳng lẽ lại chuyển Thành ủy lên trên này.
Mình rất hiểu tâm lý người dân. Thành phố đã hết sức nỗ lực, nhưng quan điểm việc điều hành là chúng ta phải hiểu ai cũng muốn nhà mình sạch, và chuyển cái rác đó sang nhà bên cạnh. Dù làm ở đâu đi nữa thì chúng ta cũng phải đảm bảo an toàn”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Liên quan đến việc tái định cư cho người dân quanh bãi rác, Bí thư Hà Nội cho rằng, bà con chỉ cần tái định cư chỗ ở thôi để bảo đảm môi trường sống tốt hơn, chứ còn đất canh tác giữ nguyên nên phải cân nhắc, tránh tình trạng phải san gạt mặt bằng, xây khu tái định cư lớn, rất tốn kém, mất thời gian mà bà con lại không muốn về. Bí thư Hà Nội cũng chỉ đạo, phải đảm bảo giải quyết những vấn đề khẩn cấp cho người dân, đặc biệt những vùng có sự cố về môi trường.