Bí thư Hà Nội: Khẩn trương cải tạo chung cư cũ để bảo đảm an toàn tính mạng người dân

0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Kỳ họp
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Kỳ họp
TPO - Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, cải tạo chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Kiểm soát tốt dịch bệnh

Sáng 22/9, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Kỳ họp thứ 2. Phát biểu chỉ đạo Kỳ họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu, thành phố vừa trải qua 4 đợt giãn cách xã hội, đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 và chuyển sang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị số 22 ngày 20/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố.

Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức rất lớn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng thành phố đã thực hiện hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 15 và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, với một số kết quả khả quan.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bí thư Hà Nội cũng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đặc biệt, do tác động của đại dịch COVID-19, việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội, thu chi ngân sách, sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; đời sống, việc làm của nhân dân bị ảnh hưởng.

"Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm chính trị, giải pháp cao hơn nữa, chủ động nắm bắt và tận dụng tốt những thời cơ, thuận lợi, khắc phục khó khăn, tiếp tục có giải pháp thích hợp, khả thi để phòng chống dịch hiệu quả và thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển", ông Dũng nói.

Bí thư Hà Nội kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân quán triệt tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết; thực hiện nghiêm những quy định của Trung ương, của thành phố trong phòng chống dịch COVID-19; tiếp tục đoàn kết hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể hàng ngày, hàng giờ để ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh lây lan rộng, bùng phát ngay từ trong từng gia đình và trong cộng đồng.

Khẩn trương cải tạo chung cư cũ

Đối với các Nghị quyết quan trọng liên quan đến chủ trương chính sách lớn, làm cơ sở trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ thường xuyên năm 2021 cũng như giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố, ông Dũng đề nghị HĐND thành phố cần đi sâu nghiên cứu, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô, nhất là nguồn lực về con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.

Ông Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố và Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 của thành phố là những nội dung quan trọng không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn có tính chiến lược lâu dài, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ thành phố… cũng như thực tiễn của thành phố đặt ra. Vì vậy, khi thảo luận cho ý kiến, phải nhìn nhận trên 3 phương diện, toàn diện, đồng bộ và có tính khả thi.

"Đề nghị các đại biểu phân tích làm rõ nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt được của giai đoạn 2016 – 2020 để từ đó có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn 2021 – 2025; tập trung thảo luận các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội 5 năm được nêu trong báo cáo đã lượng hóa được những tác động từ đại dịch COVID-19; kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 – 2025", ông Dũng nêu.

Về Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Dũng cho biết, đây là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

"Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã xuống cấp trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Do đó, đề nghị cần tập trung thảo luận về định hướng, giải pháp, kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể việc kiểm định cũng như việc đầu tư xây dựng đối với từng khu chung cư để đảm bảo tính khả thi của Đề án, đồng thời cần đặc biệt quan tâm thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư (hoặc nhà ở tạm thời) và bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân", ông Dũng nêu.

Về việc sớm đầu tư Tuyến đường Vành đai 4 –Vùng thủ đô, ông Dũng cho biết, đây được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ thành phố.

"Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến về chủ trương đầu tư, phương án đầu tư, về các cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn lực, đầu tư, quản lý, khai thác dự án cũng như quỹ đất 2 bên đường; đặc biệt, cần nghiên cứu, thảo luận về việc cân đối, bố trí đủ nguồn vốn của thành phố đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố (giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030)", ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG