Từ hợp đồng xuất khẩu 300 tấn sữa bột
Chia sẻ về những quyết định quan trọng trong việc tìm đầu ra, đưa các sản phẩm sữa Việt vươn ra thế giới, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết, chính việc luôn chủ động tìm lối đi cho mình, kiên trì liên tục đổi mới, sáng tạo trong nhiều năm, chấp nhận cạnh tranh trực tiếp ở trong và ngoài nước, coi đó là sự sống còn của doanh nghiệp... là những bí quyết giúp có được một Vinamilk như ngày hôm nay.
Theo bà Mai Kiều Liên, thực tế, những năm qua có rất nhiều đối tác nước ngoài đề nghị liên doanh, chào mua cổ phần đầy hấp dẫn. Lãnh đạo Vinamilk khi đó cũng phân tích và tranh luận với nhau rất nhiều lần, kéo dài cả năm trời và đi đến đồng thuận là không liên doanh. “Có đối thủ mạnh thì mình khó khăn. Ðồng ý liên doanh thì các cấp lãnh đạo sẽ sướng, lương rất cao nhưng lương công nhân thì không được. Thôi thì mình thà chịu khó trở thành đối thủ, vất vả hơn nhiều nhưng sẽ là tốt để cho tất cả mọi người cùng vận động. Việc quyết định chọn cạnh tranh lành mạnh, chấp nhận rủi ro, lãnh đạo và nhân viên có khổ cùng khổ, có sướng của Vinamilk đã giúp cho thị trường sữa càng ngày càng phát triển”, bà Liên chia sẻ về những quyết định đầy khó khăn khi từng bước vượt qua những thách thức để đưa Vinamilk thành doanh nghiệp sữa số 1 như hiện nay.
Theo vị Tổng giám đốc của Vinamilk, chính quyết định táo bạo về chiến lược với bản hợp đồng chốt lúc gần 2 giờ sáng giờ Iraq vào năm 1998 khi đó và việc giao đúng hẹn 300 tấn sữa bột, 2.000 tấn sữa béo nguyên kem và được thị trường chấp nhận chính là “chìa khóa” giúp công ty mở cửa thị trường xuất khẩu bền vững vào Trung Ðông và nhiều nước khác trong suốt gần 20 năm về sau.
“Lúc đó, dù đang có chiến tranh nhưng phía bạn (Iraq) không vì thế mà chịu áp lực. Thậm chí nhiều sản phẩm bạn yêu cầu chất lượng cao hơn so với quốc tế trong khi giá đưa ra khá gắt”, bà Liên nhớ lại những áp lực, đối mặt những rủi ro sinh tử mà bà đã trải qua khi là Tổng giám đốc, dẫn đầu đoàn công tác của Vinamilk sang Iraq để đàm phán xuất khẩu sữa trong bối cảnh nước bạn. Sau chuyến xuất hàng đầu tiên đến Iraq, đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 43 nước trên thế giới.
Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên.
Ðến chiến lược đem chuông đi đánh xứ người
Không chỉ xác định sẽ tiếp tục duy trì thế mạnh dẫn đầu trong nước, Vinamilk còn công khai chiến lược sẽ tiếp tục dồn tâm sức nghiên cứu, mở rộng phạm vi đầu tư sản xuất và chi nhánh hoạt động ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ tại thị trường trong nước, Vinamilk đã “cắm cờ” tại rất nhiều vùng đất khó với yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Nga, Nhật Bản...
“Cơ hội kinh doanh dù trong nước hay ngoài nước luôn có rất nhiều, vấn đề phải chấp nhận và biết cạnh tranh. Nhiều người cAho rằng, thị trường nhiều nước đã đầy đủ rồi nhưng nếu biết tìm những “ngách” để né những gì họ đang có thì vẫn có thể tham gia cạnh tranh. Cũng có những cái dù họ đang có nhưng mình làm tốt hơn thì vẫn có cơ hội”
Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên
Ðể “đem chuông đi đánh xứ người” thành công, từ năm 1990, Vinamilk đã tiến hành mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá tốt nhất vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập trên thị trường. Cùng đó, công ty thực hiện chiến lược cân bằng, kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ và xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu tạo ra cuộc “Cuộc cách mạng trắng” trong ngành sữa, giúp công ty luôn chủ động được nguyên liệu trong sản xuất.
Với việc sáng tạo trong kinh doanh, ban lãnh đạo Vinamilk luôn xác định phải tự chủ trong sản xuất, đã không làm thì thôi, còn khi đã làm thì phải làm lớn, đầu tư một lần cho hiệu quả dài lâu. Bằng chứng Vinamilk đã luôn tiên phong, đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất thông qua hiện đại hóa hệ thống nhà máy thông qua việc lần lượt đưa vào hoạt động hai siêu nhà máy sữa bột và sữa nước. Nhà máy sữa nước Việt Nam có công suất siêu lớn - hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và sẽ tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. Trong khi nhà máy sữa bột Việt Nam có công suất 54,000 tấn/năm, là một trong những nhà máy có công suất lớn nhất khu vực Ðông Nam Á giúp Vinamilk đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và còn đảm bảo khả năng phục vụ xuất khẩu đang tăng cao trong những năm gần đây.
Khi đã vững chân thị trường trong nước, trong khi nhiều thương hiệu vang bóng một thời của Việt Nam các đối tác ngoại lần lượt bị thâu tóm, sát nhập, Vinamilk quyết định thực hiện chiến dịch “lội ngược dòng” khi thực hiện thành công M&A nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài để tạo bàn đạp tiến vào các thị trường mới.
Cụ thể, năm 2012, Vinamilk quyết định rót vốn đầu tư vào nhà máy Miraka (NewZealand) chuyên cung cấp nguyên liệu sữa chất lượng cao cho các sản phẩm của Vinamilk để phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Tại Mỹ, Vinamilk chi tiền sở hữu 100% cổ phần của nhà máy sữa Driftwood - một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất tại California và là nhà cung cấp sữa cho hệ thống trường học lớn nhất nước Mỹ. Không dừng lại đó, tại châu Âu, Vinamilk cũng có kế hoạch đầu tư vào Ba Lan nhằm tiếp cận thị trường rộng lớn này. Tại khu vực Ðông Nam Á, Vinamilk rót vốn đầu tư 23 triệu USD để nắm giữ 51% cổ phần Angkor Milk (Campuchia). Nhờ những bước đầu tư với sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, trong những năm gần đây, doanh số xuất khẩu của Vinamilk luôn đạt mức tăng trưởng mạnh trên 200 triệu USD/năm.
Những trái ngọt
Ngoài 13 nhà máy hiện diện tại Việt Nam, Vinamilk còn nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ), nắm giữ 51% cổ phần đầu tư nhà máy Angkor Milk tại Campuchia, mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của Vinamilk tại châu Âu.
Ðến nay, với việc sở hữu 100% cổ phần Driftwood hồi tháng 5/2016, mỗi năm Vinamilk có thêm vài ngàn tỷ đồng doanh thu từ công ty đặt tại Mỹ này. Việc góp vốn vào nhà máy Miraka tại New Zealand cũng đã mang về tổng cộng hơn 2 triệu NZD cho Vinamilk.