Bị quên lãng trên hồ Trị An

Bị quên lãng trên hồ Trị An
TP - Thời sinh viên ngoài Bắc, chúng tôi đã cùng nhau hát không biết mệt ca khúc “Trị An âm vang mùa xuân”. Tới Trị An vào mùa xuân, giữa khung cảnh nước non xanh biếc, những ngư dân lam lũ chỉ ước mơ một chiếc thẻ bảo hiểm y tế cho con.

> Lòng hồ Trị An lại bị xâm lấn
> Vẫn loay hoay cứu sông Đồng Nai

Xóm chài nằm ở bến đò nom xơ xác đến khó tả. Những ngôi lều tạm quây bằng ván cũ hở hoác. Điện nước đều câu nhờ cách đó cả cây số với giá cao gấp đôi.

Hỏi vì sao ở tạm bợ thế, người dân bảo, họ tới đây khoảng năm 1996, được bảo là đã đến sau thời kỳ hỗ trợ đất tái định cư, nên cứ phải sống tạm thế này.

Những con thuyền cũ kỹ được sơn lại để sử dụng, như những người bạn trung thành nhưng đã quá già nua. Quốc đóng con thuyền hơn 10 năm, vài năm anh phải sơn lại, mất mấy triệu đồng tiền sơn. Đất đai của anh đã chìm hết vào lòng hồ sâu thẳm, có nơi sâu 50 m.

Giờ đây anh kiếm sống bằng chài lưới. Đêm đêm anh đi đánh cá bằng te, đốt đèn măng xông, cá thấy sáng tìm tới, thế là xúc lên. “Tốn tiền dầu. Mỗi đêm đi mất 500 nghìn đồng tiền dầu. Cá ngày càng ít, khó khăn quá” - Quốc nói.

Cái khó hơn cả với Quốc là ám ảnh về sự lãng quên đối với những con người nhỏ bé và nghèo khổ như anh ở nơi lòng hồ hiu quạnh, như thể người ta đã quên đi vùng đất đã vùi sâu dưới làn nước kia. “Bão số 1 năm ngoái, em mất hai bè cá. Cả năm trời làm không đủ trả nợ. Tiền mua mồi thả cho cá đều vay trả chậm, giờ mồi xuống không có tiền trả”. Cá lăng hồi trước được 90 ngàn đồng/kg, giờ chỉ bán được 60 ngàn. Chủ vựa cá nơi xa tới mua đưa giá bao nhiêu, dân phải chịu bấy nhiêu.

Quốc nhận xét: “Từ khi có lòng hồ, dân em khổ hơn xưa. Hồi trước đất đai mênh mông, chỗ nào cũng là ruộng, giờ thì toàn nước trong. Con học lớp 11 nhưng không đủ tiền phải bảo nó nghỉ giúp bố”.

 Bão số 1 xảy ra đầu năm ngoái, đến năm nay dân chúng em đều chưa được hỗ trợ, danh sách thì nộp từ lâu rồi. Bà con trong bờ, nhà sập có bộ đội thanh niên đến hỗ trợ, còn chúng em ở đây bão tràn vào hồ, phá tan nát hết bè, bỗng dưng mất hết. Chẳng thấy bóng ai thăm.

Anh Điện - tổ trưởng tổ 2B, khu phố 1, thị trấn Vĩnh An

Tôi tìm tới gap tổ trưởng tổ 2B, khu phố 1, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Tổ trưởng tên Điện cũng ở trong một túp lều nát ven hồ: “Bão số 1 xảy ra đầu năm ngoái, đến năm nay dân chúng em đều chưa được hỗ trợ, danh sách thì nộp từ lâu rồi”.

Điện bùi ngùi bảo: “Bà con trong bờ, nhà sập có bộ đội thanh niên đến hỗ trợ, còn chúng em ở đây bão tràn vào hồ, phá tan nát hết bè, mỗi bè giá trị lên cả năm chục triệu bạc, dân bị bão thổi lên bờ, bỗng dưng mất hết không còn gì, nhưng… chẳng thấy bóng ai thăm”.

Cả lòng hồ kéo dài mấy huyện, không biết bao nhiêu bè, chỉ riêng khu của Điện sinh sống đã 30 bè cá tan tành mà chưa nhận được hỗ trợ.

Gia đình Điện là Việt kiều Campuchia hồi hương năm 1996. Điện so sánh: “Ở Campuchia chỉ cho đánh bắt 6 tháng mỗi năm, nhờ vậy đàn cá kịp phục hồi, còn ta thì đánh quanh năm, chưa kể nhiều chỗ dùng cả te điện”.

Người tổ trưởng bức xúc: “Hồ này có vài chục con suối lớn đổ vào. Tại các cửa suối, họ đặt những cái bửng để bắt cá, để nuôi cá. Đến mùa cá đẻ, không còn nơi đẻ. Chúng phải đẻ ở ngoài hồ nên trứng bị các loài khác ăn hết. Vậy lấy đâu ra cá cho dân đánh bắt?”.

Những chiếc bửng chặn cửa suối
Những chiếc bửng chặn cửa suối.

Người tổ trưởng trẻ tuổi thuê một chiếc thuyền nhỏ cho tôi đi thực tế. Để tới được nơi đặt bửng ở cửa suối, cả đi lẫn về chúng tôi phải mất 4 giờ đồng hồ. Các khu rừng đặt bửng đều không có dân, xung quanh chỉ núi non.

Dường như ở nơi pháp luật không với tới ấy, mặc dù đã có văn bản cấm, thì những tấm lưới khoanh lấy cửa suối vẫn dựng lên ngang nhiên. Mặt hồ đã bị chiếm dụng làm ao nuôi cá.

Một chiếc ca nô áp sát chúng tôi cùng hai thanh niên to lớn, họ quắc mắt hỏi: “Đi đâu đấy?” Những người kia được thuê để trông bửng. Người tổ trưởng bảo: “Chúng tôi không làm gì các anh đâu, chỉ đưa ông khách đi tham quan thôi”.

Hai người kia nói: “Chắc đi xem bửng chứ gì. Chúng tôi khó khăn quá nên phải làm cái bửng này để kiếm tí cá thôi”.

Nói xong, họ đánh ca nô đi vào cái chòi canh nơi cửa rừng. Tôi hỏi: “Quen nhau hả?”. Điện bảo: “Đám này chuyên đi thu thuế chúng em. Mỗi thuyền dân một tháng phải đóng cho họ hơn 400 ngàn”.

Tôi ngạc nhiên không ngờ cái hồ thủy điện Trị An lại có lực lượng thu thuế chặt chẽ đến thế. Người dân phải đóng thuế ngay trên mặt hồ. Hồ Trị An được khởi công vào năm 1984 và hoàn thành đầu năm 1987.

Theo số liệu, hồ có dung tích toàn phần 2,765 km³, dung tích hữu ích 2,547 km³, mặt hồ diện tích 323 km². Hồ cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An với sản lượng điện hằng năm 1,7 tỷ kWh.

Không hiểu mỗi năm lượng cá giống được thả xuống là bao nhiêu, nhưng những cái bửng của đám thu thuế kia đã ngăn chặn quá trình cá sinh nở tự nhiên trong hồ.

Người tổ trưởng kể: “Dân đã nhiều lần phản ảnh với bên kiểm ngư và bên bảo tồn, nhưng rút cục có bao nhiêu suối thì vẫn có bấy nhiêu bửng”.

Điện ghé vào một cái đảo du lịch của tư nhân trên hồ, rao bán chiếc thuyền đánh cá của anh với giá 27 triệu để họ làm thuyền đưa đón khách.

Hai người trông coi đảo nói: “Chúng tôi nghe chuyện có người rao bán thuyền, hóa ra là anh”. Điện bảo: “Họ đặt bửng như thế thì dân không còn đường sống. Em bán để lên bờ đi làm phu hồ”.

Trở vào bờ, tôi tình cờ gặp gia đình một người đánh cá đang nhặt tìm từng con cá cơm trong mảnh lưới rách.

Anh Xuân, chủ thuyền bi quan: “Hồi trước một ngày đánh được 50-60 kg cá. Hôm nay anh thấy đấy, ra đi lúc hai giờ sáng mà hai giờ chiều mới vào bờ, chỉ bắt được 17 kg cá, bán được 170 ngàn”.

Mỗi năm phải sắm một bộ lưới mới tốn vài chục triệu, ngày ngày phải tốn tiền dầu. Vợ anh Xuân bảo: “Chúng em đã nợ 60 triệu đồng rồi. Dân chúng em được hỗ trợ đất tái định cư nhiều năm nay, nhưng chúng em không có nước sạch để dùng, anh phản ánh lên báo cho dân có nước sạch được không?”.

Địa chỉ của những người dân tái định cư lòng hồ là tổ 16, khu phố 1, thị trấn Vĩnh An. Tiếng là dân thị trấn đấy, nhưng lại không có nước sạch vì đường ống nước chưa kéo tới. Muốn dùng, phải đi mua của các hộ dân trong thị trấn.

Vợ chồng anh Xuân có đứa con gái tên Ngân, 18 tuổi nom như trẻ 12, vì bé chỉ nặng 36 kg, cao 1,3m. Ngân kể: “Con bị bệnh thiếu máu từ lúc ba tháng tuổi. Tháng nào con cũng phải đi bệnh viện để vô máu, không thì con mệt lắm. Con nghỉ học từ hồi lớp 3 rồi”.

Bé Ngân thiếu máu nên không lớn được
Bé Ngân thiếu máu nên không lớn được.

Mẹ của Ngân đang thu lưới, quần áo ướt sũng, nói: “Mỗi tháng vô 3 đơn vị máu cho Ngân khoảng 1,2 triệu đồng, cộng thuốc thang nữa, tốn gần hai triệu. Nhiều lần gia đình xin cho cháu thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chính quyền họ nói gia đình cháu xếp vào diện cận nghèo chứ không phải diện nghèo, nên không có bảo hiểm y tế”.

Anh Xuân bảo: “Chúng tôi nói chúng tôi chỉ xin cho cháu cái thẻ, còn xếp bố mẹ vào loại gì thì chúng tôi cũng chấp nhận hết. Nhưng họ vẫn làm thinh”.

Tôi hỏi Ngân: “Suốt ngày con ở nhà, con có ước mơ gì không?”. Cô bé nói ngay: “Con chỉ ước mơ được cái thẻ bảo hiểm y tế để cho bố mẹ con đỡ khổ”.

1 -2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.