Bị phong tỏa suốt 17 năm, Hamas lấy vũ khí từ đâu để tấn công Israel?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cuộc tấn công dữ dội của Hamas hôm 7/10 vào Israel sử dụng hàng ngàn quả rốc-két và tên lửa, máy bay không người lái thả thuốc nổ, cùng với nhiều đạn dược và vũ khí nhỏ.
Bị phong tỏa suốt 17 năm, Hamas lấy vũ khí từ đâu để tấn công Israel? ảnh 1

Các thành viên của Hamas ở Dải Gaza. (Ảnh: Getty)

Cuộc tấn công được triển khai từ Dải Gaza bị bao vây: Khu vực chỉ rộng 360km2 bên bờ Địa Trung Hải, với một mặt giáp biển, hai mặt giáp Israel và một mặt giáp Ai Cập.

Dải Gaza là vùng đất nghèo khó, chật chội và ít tài nguyên.

Nơi đây gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới gần 17 năm qua. Từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát, Israel và Ai Cập triển khai các biện pháp bao vây chặt chẽ nơi này, cho đến tận bây giờ.

Israel cũng phong tỏa cả trên biển và trên không với Dải Gaza, đồng thời triển khai hệ thống giám sát rộng khắp.

Vì vậy, một câu hỏi lớn được đặt ra sau cuộc tấn công bất ngờ vào Israel hôm 7/10 là: Hamas lấy số lượng lớn vũ khí như vậy ở đâu?

Theo các chuyên gia, câu trả lời kết hợp nhiều yếu tố: Sự ứng biến và hỗ trợ từ bên ngoài.

“Hamas có vũ khí bằng cách buôn lậu, tự chế tạo hoặc được Iran hỗ trợ”, tài liệu World Facebook của CIA cho biết.

Dù Israel và Mỹ vẫn chưa tìm ra bằng chứng nào cho thấy vai trò của Iran trong cuộc tấn công cuối tuần qua, các chuyên gia phương Tây cho rằng Hamas buôn lậu vũ khí qua những đường hầm xuyên biên giới để vượt hàng rào phong tỏa.

“Hệ thống đường hầm của Hamas vẫn rộng khắp, dù Israel và Ai Cập định kỳ triệt bớt”, Bilal Saab, giám đốc Chương trình An ninh quốc phòng thuộc Viện Trung Đông (MEI) ở Washington, nói với CNN.

“Hamas nhận được vũ khí từ Iran mang vào Dải Gaza qua các đường hầm, bao gồm cả hệ thống tầm xa”, Daniel Byman, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), cho biết.

“Iran cũng chuyển cho Hamas các tên lửa đạn đạo tiên tiến và bộ phận để chế tạo ở Dải Gaza”, một nhà nghiên cứu cấp cao khác ở MEI, cho biết.

Các nhà phân tích nói rằng Iran cũng đóng vai trò hướng dẫn.

“Iran hướng dẫn Hamas tự chế tạo, để Hamas có thể tạo ra kho vũ khí của họ”, ông Byman nói.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài RT tiếng Ả-rập tuần trước, một quan chức cấp cao của Hamas ở Li-băng cho biết cụ thể cách lực lượng này sản xuất vũ khí.

“Chúng tôi có những nhà máy địa phương để làm mọi thứ, gồm rốc-két tầm bắn 250km, 80km và 10km. Chúng tôi có nhà máy làm súng cối và đạn pháo… Chúng tôi có nhà máy chế tạo súng Kalashnikovs và đạn”, ông Ali Baraka, người phụ trách quan hệ quốc tế của Hamas, nói.

Với những khí tài lớn, nhà nghiên cứu Lister nói rằng Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đào tạo kỹ thuật chế tạo vũ khí cho Hamas trong gần 2 thập kỷ qua.

“Nhiều năm tiếp cận các hệ thống tiên tiến đã giúp Hamas có đủ kiến thức để xây dựng năng lực sản xuất nội địa”, Lister nói.

Nhà nghiên cứu này nói rằng Tehran vẫn tiếp tục huấn luyện cho Hamas đến bây giờ.

“Các kỹ sư rốc-ket và tên lửa của Hamas là một phần trong mạng lưới của Iran trên khắp khu vực, vì vậy việc đào tạo và trao đổi thường xuyên là một trong những nỗ lực của Iran nhằm chuyên nghiệp hóa các lực lượng đại diện", ông nói.

Tuy nhiên, việc Hamas có thể kiểm đủ nguyên vật liệu thô ở đây để tự chế tạo vũ khí cũng cho thấy tài xoay xở của họ.

Trên Dải Gaza không có ngành công nghiệp nặng nào để hỗ trợ sản xuất vũ khí. Theo tài liệu của CIA, các ngành công nghiệp chính ở đây gồm dệt may, chế biến thực phẩm và nội thất.

Theo CNN
MỚI - NÓNG
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
Phó Thủ tướng: 'Họp lên họp xuống nhưng công trình vẫn chờ cát'
TPO - Đề cập tới nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay: “Lâu nay họp lên họp xuống, nhưng công trình vẫn chờ cát. Sau lần họp lần này cần lên được kế hoạch cụ thể, vật liệu không chỉ đáp ứng các công trình quốc gia, còn những công trình liên vùng”.