Thư viện âm thanh của khủng bố
Bộ sưu tập băng cátsét này vẫn nằm đó cho đến khi được một gia đình người Afghanistan phát hiện khi họ tìm kiếm những thứ còn sót lại trong tòa nhà. Khi thấy số lượng băng cátsét này, họ nhanh chóng gom lại và mang đến một cửa hàng băng cátsét gần đó. Khi chế độ Taliban sụp đổ, gia đình này biết rằng có thể kiếm chút ít tiền khi bán các băng nhạc pop từng bị Taliban cấm.
Một phóng viên ảnh của Đài CNN biết về bộ sưu tập nói trên, anh đã thuyết phục chủ cửa hàng giao lại số băng này, nói rằng chúng có thể có nhiều thông tin quan trọng. Quả đúng như vậy. Số băng trên chính là thư viện âm thanh của Al-Qaeda.
Số băng đã được chuyển tới Dự án Truyền thông Afghanistan tại Trường cao đẳng Williams ở bang Massachusetts (Mỹ). Trường này đã đề nghị ông Flagg Miller, một chuyên gia văn học và văn hóa Arập thuộc Đại học California, bang California nghiên cứu kỹ lưỡng các cuốn băng này. Ông Miller là người duy nhất đã nghe toàn bộ bộ sưu tập.
Khi nhận hai thùng băng phủ đầy bụi năm 2003, ông Miller cảm thấy choáng ngợp và không ngủ suốt 3 ngày liền chỉ vì mải suy nghĩ cách khám phá nội dung số băng trên. Các cuốn băng đề ngày tháng từ cuối những năm 1960 đến năm 2001, ghi lại giọng nói của hơn 200 người, trong đó có 24 cuốn là của Osama bin Laden. 10 năm sau, Miller đã viết một cuốn sách về những gì ông biết qua bộ sưu tập băng. Cuốn sách mang tên "The Audacious Ascetic".
Nhãn một cuốn băng đề tên Osama Bin Laden.
Giọng của Bin Laden lần đầu xuất hiện trong một cuốn băng từ năm 1987, trong đó ghi lại diễn biến cuộc chiến giữa các tay súng Arập ở Afghanistan và quân Liên Xô. Lúc đó, Bin Laden đã rời cuộc sống xa hoa ở Arập Xêút để tìm cách gây dựng tên tuổi trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô.
Băng cátsét là một công cụ hoàn hảo để tuyên truyền và thuyết phục người khác cải đạo và Bin Laden rất thích tận dụng công cụ này. Người ta có thể dễ dàng chia sẻ băng cátsét, chuyền tay cho nhau mượn mà hầu như không bị ai chú ý, kiểm duyệt. Băng cátsét cũng rất phổ biến ở Trung Đông và thế giới Arập. Người dân ở khu vực này thường nghe băng cùng bạn bè.
Bộ sưu tập của Bin Laden chủ yếu là các bài phát biểu và thuyết giáo nhưng cũng có những cuốn băng ghi lại các cuộc trò chuyện, thánh ca Hồi giáo và các bài hát truyền cảm hứng thông qua thông điệp âm nhạc cho các chiến binh Hồi giáo. Bin Laden coi đây là công cụ tuyển mộ người mới. Những bài hát này có sức thu hút về mặt cảm xúc, gợi trí tưởng tượng và lôi cuốn người nghe.
Không chỉ thế, bộ sưu tập còn có cả những băng nhạc pop của các ca sĩ nổi tiếng như Gaston Ghrenassia, người Do Thái Algeria, nổi tiếng trong những năm 60 - 70. Ông Miller nhận định bộ sưu tập các bài hát bằng tiếng Pháp của Gaston cho thấy người Arập ở Afghanistan nói rất nhiều thứ tiếng và có nhiều kinh nghiệm về thế giới. Nhiều người đã sống ở phương Tây trong một thời gian dài.
Về "kẻ thù xa"
Bộ sưu tập băng cátsét cũng ghi âm các bài phát biểu của Bin Laden vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90 khi thuyết giảng ở Arập Xêút và Yemen. Điều thú vị là cách Bin Laden nói về điều đang đe dọa bán đảo Arập. Người ta vốn tưởng rằng Bin Laden nghĩ phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng là mối đe dọa với chúng. Nhưng thực ra, hắn nghĩ "những người Hồi giáo khác" mới là mối đe dọa.
Trước tiên là những người Hồi giáo dòng Shiite, sau đó là những người ủng hộ đảng Baath ở Iraq, những người Cộng sản và người theo tư tưởng của nhà lãnh đạo Nasser ở Ai Cập. Ông Miller nhận định: "Bin Laden muốn thực hiện thánh chiến Hồi giáo để giải quyết câu hỏi ai mới là người Hồi giáo thực sự".
Bộ băng của Bin Laden còn xuất hiện một cái tên bất ngờ là nhà chính trị Mahatma Gandhi của Ấn Độ. Trong bài phát biểu tháng 9/1993, Bin Laden - một trùm khủng bố - cho biết niềm cảm hứng của hắn ta chính là Mahatma Gandhi - một người yêu chuộng hòa bình. Hắn kêu gọi người ủng hộ tẩy chay hàng hóa Mỹ và tìm cảm hứng trong cuộc đấu tranh chống người Anh của ông Gandhi.
Hắn nói: "Khi nhắc đến Vương quốc Anh, một đế chế rộng lớn đến mức người ta nói mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh đã buộc phải rút khỏi một trong những thuộc địa lớn nhất của mình khi ông Gandhi tuyên bố tẩy chay hàng hóa Anh. Ngày nay chúng ta cũng phải làm tương tự với Mỹ!".
Bin Laden cũng khuyến khích người nghe viết thư cho các đại sứ quán Mỹ để bày tỏ lo ngại về vai trò của Mỹ trong xung đột Trung Đông. Đến tận giai đoạn này, hắn vẫn chưa hề đề cập đến dùng bạo lực chống Mỹ.
Năm 1994, dưới sức ép của Mỹ, hắn bị tước quyền công dân Arập Xêút, mất toàn bộ tiền bạc và rơi vào cảnh bần hàn. Hắn đã nảy ra một số ý nghĩ tuyệt vọng để thu hút người ủng hộ cực đoan. Mãi đến năm 1996, nhiều ngày sau khi bị trục xuất khỏi Sudan, hắn đã thay đổi quan điểm trong cách đối phó với Mỹ.
Năm 1996, hắn có một bài phát biểu ở Tora Bora, Afghanistan. Bài phát biểu này thường được gọi là lời tuyên chiến của Bin Laden. Nhưng theo Miller, ông đã nghe toàn bộ bài phát biểu và sự thực không hoàn toàn chính xác như vậy.
Phần cuối bài phát biểu là 15 bài thơ và khi bài phát biểu được dịch ra tiếng khác, người ta đã bỏ các phần thơ đi. Do vậy, đây không phải là một lời tuyên chiến mà chỉ là do báo chí thời đó gán cái mác này cho bài phát biểu. Thực ra đó là lời kêu gọi chống Mỹ vì một cuộc đấu tranh dài hơi hơn nhiều, đó là cuộc đấu tranh chống sự tham nhũng ở Arập Xêút.
Chỉ một vài phần ghi âm cuối cùng trong bộ sưu tập có ám chỉ đến vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Đó là phần băng ghi âm trong đám cưới của Umar, vệ sĩ của Bin Laden. Đoạn này được ghi âm vài tháng trước vụ tấn công nước Mỹ. Đoạn băng thể hiện không khí rất vui vẻ và sau đó Bin Laden lên tiếng.
Hắn nói rằng vui vẻ là quan trọng nhưng không được quên những vấn đề hệ trọng hơn. Hắn nói bóng gió về một kế hoạch nhưng không nói chi tiết. Bin Laden nói chúng ta sắp "có tin tức" và cầu chúa "phù hộ cho anh em của chúng ta thành công". Theo ông Miller, đó chính là những lời ám chỉ vụ tấn công ngày 11/9 vì hắn nói cụ thể về Mỹ tại thời điểm đó.
Điều khiến người ta tò mò là trong các cuốn băng được ghi âm trong hơn chục năm của Bin Laden lại có rất ít lời đề cập tới bạo lực chống phương Tây - thứ gắn liền với tên tuổi của trùm khủng bố khét tiếng. Phần lớn người ta chỉ nghe thấy Bin Laden và Al-Qaeda nhắc tới kẻ thù cơ bản là các lãnh đạo Hồi giáo.
Ngày nay, Al-Qaeda vẫn hiện diện ở Yemen, gây nhiều ảnh hưởng ở Iraq và tiếp tục tàn phá cuộc sống của người Hồi giáo. Thực tế đó cho thấy mạng lưới khủng bố này đã tạo ra rất nhiều con đường máu.