Đỗ Ca Sơn đang học chuyên khoa 2 (lớp 11 bây giờ) thì xung phong đi bộ đội (năm 1949). Chiến dịch Biên giới (1950) ông tham gia đánh đồn Đông Khê, đợi một tuần trong điều kiện ăn ngủ tạm bợ, vất vưởng trong rừng chờ địch từ Cao Bằng và Thất Khê ở hai đầu không tiếp viện.
Đến ĐBP ông là trung đội trưởng trực thuộc tiểu đoàn 251, trung đoàn 174, đại đoàn 316. Ai cũng biết lính trinh sát được chọn lựa như thế nào, phải có những phẩm chất gì mới bí mật đến được thật gần địch (cả ban đêm lẫn ban ngày) để quan sát, vẽ sơ đồ vị trí địch bố phòng, nắm quân số, hỏa lực địch. Lặng lẽ bò vào càng gần càng tốt, lặng lẽ rút về an toàn. Không có trinh sát, làm sao tham mưu lập được kế hoạch tác chiến.
Sau hai đợt 3 tiểu đoàn ta đánh 1 tiểu đoàn lính Ma Rốc tinh nhuệ trên đồi A1 cao 32m, ta đã chiếm được 2/3 cứ điểm. Nhưng sau đó địch lại cho một tiểu đoàn với hai xe tăng phản kích chiếm lại 1/3. Đúng hôm 3 Tết, hầm của ông bị bom nổ bên cạnh (nếu nổ trúng thì…) đất vùi lấp tất cả 6-7 người. Ông ngồi ngay miệng hầm nên chân còn thò ra ngoài, mọi người lôi ra thì mặt mũi đã tím tái, vội cấp cứu mới thoát chết.
Đồng đội phía trong hy sinh hết. Giọng ông ngùi ngùi có cái gì như phật ý: sao nhiều người cứ gọi những đồng đội tôi hy sinh là liệt sĩ vô danh? Họ là những thực thể tồn tại trên đời này, sống hiên ngang, chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình. Ta chưa có kinh nghiệm nên không có cách ghi tên, nhận dạng họ đấy chứ.
Ông nói, mộ liệt sĩ ở nghĩa trang A1 không có mấy cái có đầy đủ cả bộ hài cốt đâu. Chỉ có từng bộ phận gom lại thôi. Bộ phận này của người kia, bộ phận kia có thể lại của người khác đấy. Năm 2009, tu bổ sửa sang khu vực đồi A1, vô tình còn phát hiện được 17 bộ hài cốt, đều là của lính trung đoàn 174 cả.
Hôm ấy, một cô gái hỏi ông, sao không lập một cái miếu thờ cho chúng cháu thắp hương các anh hùng liệt sĩ? Ông rơm rớm nước mắt, cháu cắm hương vào bất cứ cm2 nào ở đó đều là chỗ đồng đội bác đã ngã xuống. Ông kể, mình chôn ít nhất 100 đồng đội. Gọi là chôn, chứ thật ra chỉ là vùi lấp, vì đánh xong là phải chôn ngay, chỉ kịp cấp cứu thương binh thôi. Có khi phải rút ngay. Nhiều khi pháo nó chặn suốt ngày đêm, không đưa được tử sĩ về phía sau. Đã từng cố đưa về… thế là người sống thì chết theo, người chết thì chết lần thứ hai. Đành cứ để trong chiến hào.
Ông Đỗ Ca Sơn
Không chỉ là máu trộn bùn non như ông Tố Hữu tả đâu mà còn là thịt trộn bùn non, thịt trộn đất nhão nhoét, lõng bõng nước, ngập trong nước nữa kia. Đấy là những trường hợp đồng đội bị bom chôn vùi, không có thì giờ cào bới một lượng đất lớn ra để chuyển về phía sau, đành để nguyên. Nhiều ngày sau, đến lúc mưa xuống, rồi đạn bom địch lại đánh trúng chỗ ấy, hất tung tất cả lên…
Về đến đoạn hầm hào an toàn phải kiếm que gẩy cả đất, cả da thịt (có khi của đồng đội, có khi của địch) dưới đế giầy dép đi. Có khi vừa bế thương binh xong, móng tay, kẽ ngón tay, cả bàn tay còn đầy máu, đúng lúc ấy, anh nuôi mang cơm lên, đành chùi tay vào vách chiến hào cho bớt máu, cũng không kiếm đâu ra vải dù lót tay. Thế là cứ thế cầm nắm cơm cố mà nuốt, mà sống, mà chiến đấu trả thù cho đồng đội...
Sơn quân báo, Sơn quân khí, Sơn thông ngôn… đều đúng, vì ông thạo tất cả các việc ấy. Vì thế các đại đội trưởng trong tiểu đoàn rất quý ông. Nhiều khi, những phút yên lặng hiếm hoi giữa hai đợt chiến đấu, ông giở cuốn Buồn ơi chào nhé! của nữ văn sĩ Pháp Francoise Sagan (địch thả rơi vào trận địa ta) ra đọc. Ông khai thác tù binh tại chỗ. Cả tháng trời đánh nhau, không rửa mặt đánh răng… Khiêng, cõng đồng đội bị thương, đưa thi thể đồng đội ra ngoài. Không được rửa ráy tắm táp gì. Mấy tháng liền không nhìn thấy một người dân, không nghe một tiếng trẻ con…
Thế nên các ông mới tranh nhau đi 15-17 cây số lấy lương thực, chỉ với mục đích được nhìn, được chào hỏi mấy cô dân công hỏa tuyến, hay thanh niên xung phong thôi. Lại còn chuyện tân binh không chịu làm anh nuôi. Vì anh nuôi cũng chết như bỡn thì tội gì, làm anh lính chiến được mặt đối mặt, xả đạn thẳng vào mặt địch hả hơn chứ.
Đỗ Ca Sơn tặng tôi cuốn Hai vạn dặm dưới đáy biển. Hơi sững người. Tôi đọc từ hồi học trò, hôm nay mới biết chính người lính ĐBP này dịch, (vì ông lấy bút danh khác). Còn cuốn Trung đoàn 174 anh hùng mà mình là chủ biên thì ông chỉ đứng tên ở mục sửa bản in thôi. Nhưng tôi biết, không có nhiệt tình của ông với nghĩa tình đồng đội và nỗi đau vì các đồng đội đã mãi mãi nằm lại trên đồi A1, để ông được thanh thản vui vẻ cuộc đời này thì không có cuốn sách trên tay tôi.
Đã là người lính tử tế, người lính đích thực thì đều quý trọng tình đồng đội. Dù can trường sắt đá đến đâu cũng cần hơi ấm đồng đội bên cạnh, sau lưng thì mới không lạnh xương sống, không thấy hở sườn. Sự sống, cái chết gắn kết đồng đội lại để họ sống chết có nhau, cho nhau.
Đã cùng đồng đội xung phong thì chẳng ai sợ chết nữa. Nhưng người lính, có lẽ chỉ người lính ở ĐBP mới có nỗi sợ là phải đi giải quyết xác chết, nhất là khi nó bắt đầu phân hủy. Của địch đã sợ, của đồng đội lại thêm bao nhiêu xót thương, ám ảnh vì những gì đã có với nhau lúc sống. Cả những chuyện tiếu lâm, những lời đùa tếu trêu chòng, một câu đùa vô ý làm bạn phật lòng…
Năm ấy mưa đến sớm. Đầu tháng tư, nắng nóng rồi, giữa tháng đã có mưa đầu mùa. Hứng nước mưa uống là sướng rồi, nhưng phải có gì mới hứng được chứ, cứ há miệng ngửa cổ lên trời mãi được à? Mà mưa từng cơn chứ mưa cả ngày đâu. Một hố bom gần đấy bỗng trở thành nguồn nước cả ta và địch đều bí mật, lựa khi đối phương sơ hở bò đến lấy để uống , để đánh răng rửa mặt… Đến hôm giải phóng, ban ngày ban mặt, nhìn rõ hai xác Tây đen bụng trương phềnh nổi lập lờ… Muốn nôn cũng không nôn được.
Chiều 7/5, thấy nói địch ra hàng, nghĩ bụng, thôi thế là hết khổ rồi, hết chết rồi. Có mấy tên da đen, da trắng quần đùi, quần dài, cởi trần kéo cờ trắng ra hàng. Đang ở tuyến đầu, anh em hét lên, Sơn, nó ra hàng kìa! Chỉ là vì anh em biết ông nói được tiếng Pháp nên gọi, chứ chẳng có lệnh nào cả.
Theo phản xạ của người lính trận mạc, Sơn cứ thế vọt lên lao tới chỗ chúng. Tên da trắng đi đầu (chắc là chỉ huy, vì trong quân đội Pháp, sĩ quan nhất thiết phải là người da trắng. Hạ sĩ quan cũng rất hiếm thấy da màu) đưa tay ra bắt. Cũng là phản xạ tự nhiên của chàng thanh niên thành phố, nên ông cũng đưa tay ra bắt, rồi lệnh cho họ đi về phía sau mình.
Chuyện chỉ có thế, nhưng ngay tối ấy, ông bị mang ra đơn vị kiểm thảo vì mấy tội. Một là vô kỷ luật, không có lệnh mà tự tiện ra tiếp nhận đầu hàng… Hai là mất cảnh giác quá, nhỡ nó trá hàng, lia cho một băng thì chết cả lũ chứ chơi à? Nhưng tội nặng nhất là bắt tay kẻ thù. Cái tội này mới kinh, bởi người chụp mũ, hẳn là nhớ tới lý lịch thuộc tầng lớp trên của ông.
Ông nhận khuyết điểm, quả thật là mình sướng quá nên phởn lên xì xồ mấy câu tiếp nhận nó đầu hàng, chứ một gã tiểu tư sản như ông, tự ái giai cấp cao lắm, lại hay bị xung quanh kỳ thị thành phần nên đã bao giờ làm gì vô kỉ luật đâu. Mà lúc ấy, ông mới 22 tuổi, có nghĩ sâu xa gì đến lập trường địch ta, lập trường giai cấp đâu mà các bố cứ quy kết.
Thế nên ông kiên quyết không nhận đã bắt tay kẻ thù. Nó đã bỏ súng, tay không, cờ trắng ra hàng,… sao còn gọi là kẻ thù được. Người chiến thắng bắt tay kẻ chiến bại là lịch sự, văn minh, là chuyện tự nhiên thôi. Thế cuối cùng, liệu tôi có phải ra lệnh cho nó không, hay các anh lệnh cho nó bằng tiếng Việt? Chuyện rồi cũng qua đi. Tiểu đoàn trưởng bảo: - Mày cãi khá lắm! và cũng không thấy bắt viết kiểm thảo nữa.
Vì thạo tiếng Pháp, ông được tham gia dẫn giải một đoàn 500 tù binh, đi bộ 500km, ròng rã cả tháng trời từ Điện Biên về Thanh Hóa để trả cho người Pháp, theo quy định của Hiệp định Giơnevơ. Tù binh được phát khẩu phần ăn, tự nấu nướng lấy, hoặc một mình, hoặc mấy người hợp nhau làm thành nhóm. Nhưng họ phân biệt màu da rõ ràng, không bao giờ Tây trắng cùng nấu, cùng ăn với Tây đen.
Gọi là nấu nướng chứ, chủ yếu là nướng qua loa trên lửa nên đầy mùi oi khói. Miếng thịt trâu, lợn còn đỏ đã đưa lên miệng nhai ngon lành. Bít tết, bít tết tuyệt vời! Rồi uống nước lã… thế nên mới kiết lị, tiêu chảy, “đi phản lực về trực thăng”. Mà cũng có trực thăng thật. Máy bay thám thính rà sát đường tù binh đi, rồi chỉ điểm cho trực thăng đến định bốc đi. Khổ! Đằng nào cũng được trao trả mà còn chạy trốn làm gì để bị bắt lại.
Ông Sơn khổ sở, mỏi mắt canh chừng, mỏi mồm giải thích, khuyên bảo, ra lệnh… Rồi cuối cùng cũng đưa được họ đến địa điểm tập kết chờ tàu biển đón hồi hương.
Rồi đi Nam Định, Ninh Bình chống địch dụ dỗ đồng bào theo Chúa vào Nam. Năm 1956, ông được ra quân, cho đi học lớp tiếng Nga trong nước đầu tiên do các thầy Liên Xô dạy. Ông nhớ nhất một thầy vốn là chiến sĩ Hồng quân Liên Xô giải ngũ, học đại học Sư phạm rồi sang ta dạy.
Chỉ được học có ba học kỳ, nhưng nhờ tự học mà ông thành cán bộ giảng dạy đại học, lại còn hướng dẫn bao nhiêu sinh viên cao học làm luận văn, nên được nhà nước cho không bằng đại học, cho không bằng cao học. Lại còn được phong nhà giáo ưu tú ngay đợt đầu.