Bi kịch hôn nhân vì tiền

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không phải cuộc hôn nhân nào cũng được xây dựng trên nền móng tình yêu, có những cuộc hôn nhân vì tiền nhưng người trong cuộc phải đánh đổi rất nhiều.

Gia đình Hạnh (Bình Dương) rất nghèo, bố cô lại nghiện cờ bạc, đồ đạc trong nhà cứ đội nón ra đi. Đến khi Hạnh 19 tuổi, bố cô nợ nần quá nhiều, cứ phải sống chui lủi để trốn nợ, Hạnh đành phụ bạc người yêu để lấy một người đàn ông hơn mình gần 30 tuổi nhưng lắm tiền, có khả năng trả nợ giúp bố cô. Chồng Hạnh đã từng có một đời vợ, hiện đang sống với hai đứa con riêng chỉ kém cô vài tuổi. Cuộc hôn nhân không tình yêu đối với người phụ nữ trẻ này mà nói chẳng khác gì cuộc sống địa ngục trần gian.

Hạnh kể về cuộc hôn nhân “giàu tiền” nhưng “thiếu tình” của mình: “Sau khi cưới, anh ta trả hết nợ cho ba mình, thế nhưng cái gì cũng có giá của nó, anh ta thể hiện là một con người thô lỗ, hay ghen tuông đến bệnh hoạn. Anh ta bắt mình nghỉ học để ở nhà chăm lo cho gia đình. Cái lý do chăm lo gia đình thực ra chỉ là cái cớ, thực chất anh ta sợ mình đi học tiếp xúc với các bạn trai. 

Điện thoại, facebook hay email của mình đều bị anh ta quản lý chặt chẽ. Ngoài những người thân thì hầu như mình không được tiếp xúc với bất kì ai là đàn ông. Rồi lúc nào mình mệt mỏi mà không thể tươi cười với anh ta được thì anh ta sẽ cho rằng mình đang mơ tưởng đến người đàn ông khác, gắn cho mình tội lăng nhăng, ngoại tình. Mỗi lần như vậy, anh lại chì chiết mình, đập phá đồ đạc, thậm chí còn đánh mình thâm tím mặt mũi để khỏi ra đường … cua trai”.

Bi kịch hôn nhân vì tiền ảnh 1

Anh ta thể hiện là một con người thô lỗ, hay ghen tuông đến bệnh hoạn (Ảnh minh họa).

Không những bị người chồng giàu bạo hành tinh thần và thể xác, Hạnh còn bị những người con riêng của chồng góp sức hành hạ. “Anh ta bỏ tiền ra cưới mình, thì anh ta cũng đòi hỏi được quyền hành hạ mình, rồi cả các con anh ta cũng có quyền đó. Những lúc ba chúng không ở nhà, chúng luôn chửi mình là đồ đào mỏ, chúng ăn uống bày biện các thứ ra nhà để mình dọn dẹp. 

Thậm chí có lần chúng còn cho bạn chúng số điện thoại của mình, nhờ nhắn tin yêu đương vào máy của mình để chồng mình ghen. Dù mình giải thích như thế nào nhưng anh ta vẫn không tin mình mà tin con anh ta. Thật sự không có cách nào bỏ anh ta chứ mình mệt mỏi lắm rồi” – Hạnh chua xót kể lại.

Cũng như Hạnh, anh Tuấn (Hà Nội) đang phải nếm vị đắng khi lấy vợ chỉ vì tiền. Anh Tuấn vốn là dân tỉnh lẻ, sau khi ra trường cố gắng bám trụ lại thành phố để làm việc. Vốn có người yêu là cô bạn học cùng suốt 4 năm học đại học, nhưng sau khi gặp Hằng anh nhanh chóng phải lòng cô gái nhà giàu này. 

Hằng vốn nhiều hơn Tuấn 5 tuổi, vừa xấu lại còn đỏng đảnh, anh chẳng yêu gì cô đâu nhưng cưới Hằng anh sẽ có nhà ở thành phố, lại được bố mẹ vợ cho một khoản tiền lớn làm của hồi môn. Sau đám cưới rình rang, vợ chồng anh được bố mẹ vợ cho căn nhà 3 tầng nhưng vẫn đứng tên ông bà và ngay sát nhà ông bà. Hằng vốn được bố mẹ nuông chiều quen, cô suốt ngày chỉ lo ăn chơi chứ không chịu đi làm. Nhất là khi cưới xong, Hằng lại có bầu luôn nên cô chẳng khác gì một “bà hoàng”.

Bi kịch hôn nhân vì tiền ảnh 2

Cho đến giờ thì anh Tuấn đã quá ân hận và tự trách mình khi lấy vợ chỉ vì tiền (Ảnh minh họa).

Anh Tuấn thở dài thườn thượt khi kể về cuộc hôn nhân của mình: “Thời gian cô ấy ốm nghén, cô ấy khóc lóc đòi tôi về quê đón mẹ lên cơm nước giúp hai vợ chồng. Tôi nói thuê người giúp việc thì cô ấy nhất quyết không chịu vì sợ chồng ‘tòm tem’ với người giúp việc khi vợ đang mang bầu. Vậy là tôi đành về quê nhờ mẹ lên giúp chúng tôi ít ngày. Có lẽ vì cậy có tiền, mà cô ấy đối xử với mẹ tôi chẳng khác gì người ở. Cô ấy luôn mồm sai mẹ tôi hết việc này đến việc khác, đến ngay việc lấy ly nước cô ấy cũng sai mẹ tôi”.

Không những lười biếng, Hằng còn là người con gái khá đỏng đảnh và điêu ngoa. Có lần Tuấn hỏi Hằng số tiền bố mẹ vợ cho để hùn vốn đầu tư mở quán với bạn. Thế là cô vu vạ luôn là anh đòi tiền cho mẹ gửi về quê, vợ chồng lời qua tiếng lại với nhau đến tai bố mẹ vợ anh. Ông bà vợ anh chạy sang, nghe lời con gái liền mắng luôn mẹ anh là nghèo nên không có lòng tự trọng, đi bòn rút tiền của con cháu. 

Mắt anh vằn lên tia máu, tay nắm chặt khi nghĩ đến sự quá quắt của nhà vợ: “Nhục nhã lắm, lúc ấy tôi chỉ muốn bỏ luôn cô ta, nhưng còn đứa trẻ. Người ta vu vạ tôi cũng đáng tôi lắm, ai bảo tôi tham tiền. Nhưng mẹ tôi đâu có liên quan gì, bà cũng vì thương con thương cháu mới lên giúp chúng tôi chứ có được lợi lộc gì mà cô ấy và gia đình cô ấy lại như thế. 

Sau lần ấy mẹ tôi bỏ về quê, bà rất giận tôi. Cho đến giờ được mấy tháng rồi tôi vẫn không dám về quê để đối diện với mẹ. Tôi thật là thằng hèn. Đúng là đáng đời tôi lắm, tính toán lắm rồi cũng gặp quả đắng”.

Cho đến giờ thì anh Tuấn đã quá ân hận và tự trách mình khi lấy vợ chỉ vì tiền. Đã nhiều lần viết đơn ly hôn nhưng anh lại xé đi, cũng chỉ vì đứa con chưa chào đời, nó đâu có tội gì mà phải gánh chịu hậu quả do anh gây ra.

Theo Tri Thức Trẻ
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.