Bị giam oan gần 1.400 ngày ở Tây Ninh: Nạn nhân mòn mỏi chờ bồi thường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bị bắt giam oan 1.386 ngày, sau 40 năm mới được minh oan, một nạn nhân được tòa tuyên nhận bồi thường 2,6 tỷ đồng nhưng vẫn mòn mỏi chờ đợi dù bản án đã có hiệu lực pháp luật từ nhiều tháng nay.

Bất ngờ thu hồi quyết định cho thi hành án

Ông Nguyễn Văn Dũng (62 tuổi, ngụ xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), là 1 trong 8 nạn nhân trong vụ án oan kéo dài 40 năm mà Tiền Phong từng có bài phản ánh. Ngày 31/8/2022, sau khi được minh oan, ông Dũng được TAND cấp cao tại TPHCM tuyên buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông 2,6 tỷ đồng.

Bản án phúc thẩm (số 602/2022/DS-PT ngày 31/8/2022) của TAND cấp cao tại TPHCM đã có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng đến nay, ông Dũng vẫn ngóng chờ tiền bồi thường. Ông Dũng cho biết, sau khi bản án có hiệu lực, ông đã liên hệ với Viện KSND tỉnh Tây Ninh để yêu cầu bồi thường theo bản án, nhưng cơ quan này không tiếp nhận đơn, yêu cầu liên hệ cơ quan thi hành án để giải quyết theo trình tự, thủ tục.

Ông Dũng sau đó đã gửi đơn đến Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh Bình Dương. Ngày 14/10/2022, Cục THADS Bình Dương ban hành quyết định số 69/QĐ-CTHADS thi hành án theo yêu cầu của ông Dũng. Qua đó Cục THADS tỉnh Bình Dương cho thi hành án đối với Viện KSND tỉnh Tây Ninh.

Thế nhưng khi mà việc bồi thường chưa được thực hiện thì ngày 17/2 vừa qua, Cục THADS tỉnh Bình Dương ban hành quyết định 41/QĐ-CTHADS (Quyết định 41) để thu hồi quyết định số 69/QĐ-CTHADS.

Việc thu hồi này theo Cục THADS tỉnh Bình Dương là từ đề nghị của Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án, căn cứ theo Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014 và Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017…

Bị giam oan gần 1.400 ngày ở Tây Ninh: Nạn nhân mòn mỏi chờ bồi thường ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Dũng và vợ trong một lần liên hệ Viện KSND tỉnh Tây Ninh để giải quyết vụ án oan cho chính ông. Ảnh: P.V.T

Cho rằng Quyết định 41 là trái luật, ông Dũng đã làm đơn khiếu nại. Trong đơn, ông Dũng nêu: “Tôi là nông dân, không hiểu biết pháp luật, chỉ biết chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết. Phải mất hơn 40 năm tôi mới được minh oan, giờ lại phải chờ đợi để được bồi thường mà chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền”.

Trong vụ án oan này, 7/8 nạn nhân đã được giải quyết bồi thường thiệt hại, chỉ còn ông Nguyễn Văn Dũng đang chờ thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao tại TPHCM.

40 năm sau mới được minh oan

Năm 1979, khi ấy ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) đang là bộ đội thuộc C19 - E774 Sư đoàn 317 (Quân khu 7), đóng quân tại chiến trường Campuchia.

Ngày 25/7/1979, ông Dũng “lớn” được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình tại ấp Bùng Binh (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh).

Khoảng 23 giờ ngày 26/7/1979, ông Dũng “lớn” bị CA xã Đôn Thuận bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do ông “Cướp tài sản riêng của công dân” và ra lệnh bắt tạm giam từ ngày 27/7/1979.

Mở rộng điều tra, thêm 7 công dân bị bắt, trong đó có ông Nguyễn Văn Dũng cũng ở xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng - người đang chờ thi hành án bồi thường nêu trên. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh tiếp nhận điều tra, sau đó Viện KSND tỉnh Tây Ninh ra quyết định đình chỉ điều tra vào ngày 11/5/1983, trả tự do cho ông Nguyễn Văn Dũng sau 1.386 ngày bị giam, do được xác định không có hành vi phạm tội.

Đến ngày 12/3/2020, ông Dũng nhận được Quyết định giải quyết bồi thường 1,1 tỷ đồng của Viện KSND tỉnh Tây Ninh. Ông Dũng đã không đồng ý với quyết định bồi thường này nên khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương (nơi ông cư trú) yêu cầu bồi thường 3,6 tỷ đồng.

Tháng 3/2022, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm, cho rằng không có căn cứ chấp nhận việc ông Dũng yêu cầu VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường 3,6 tỷ đồng.

Ông Dũng kháng cáo và ngày 31/8/2022, TAND cấp cao tại TPHCM sau khi xem xét đã tuyên án, buộc Viện KSND tỉnh Tây Ninh phải bồi thường cho ông gần 2,6 tỷ đồng như nêu trên.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.