Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp gây rối, la hét tại toà

0:00 / 0:00
0:00
Cảnh sát áp giải bà Diệp khỏi phòng xử án.
Cảnh sát áp giải bà Diệp khỏi phòng xử án.
TPO - Chủ tọa đang công bố bút lục về lời khai của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp, bất ngờ bà Diệp đứng lên la hét, phản đối. Chủ tọa đã đề nghị cảnh sát áp giải bà này khỏi phòng xử để vãn hồi trật tự.

Khoảng 9h sáng nay (17/3), phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (73 tuổi, ngụ Bình Định, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương), Nguyễn Thành Tài (69 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM nhiệm kỳ từ năm 2005 - 2011) và 8 bị cáo khác tiếp tục bước vào ngày thứ 3.

Trong phiên sáng, đại diện VKS, luật sư bắt đầu tiến hành xét hỏi, thẩm vấn bổ sung trước khi cơ quan công tố luận tội đối với các bị cáo. Lúc Hội đồng xét xử (HĐXX) công bố bút lục lời khai vụ án, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Cty Diệp Bạch Dương) đã thiếu kiềm chế, có cử chỉ, lời nói gây mất trật tự phòng xử án. Sau nhiều lần nhắc nhở bà Diệp ổn định trật tự bất thành, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phạm Lương Toản yêu cầu cảnh sát đang làm nhiệm vụ đưa bị cáo Bạch Diệp ra khỏi phòng xử.

Chủ tọa đề nghị thư ký phiên tòa ghi lại tình huống pháp lý này và cho phiên tòa tạm nghỉ 15 phút để các luật sư ổn định tâm lý cho bà Diệp.

Ngày 16/3, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm trong việc hoán đổi nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM và 57 Cao Thắng, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi. Tại toà, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM) trưng ra văn bản của Trung tâm Thông tin Tài nguyên - Môi trường TPHCM ký ngày 31/12/2020, qua đó cho biết Công ty Diệp Bạch Dương do bà Dương Thị Bạch Diệp làm giám đốc đã thế chấp nhà, đất 57 Cao Thắng cho Agribank Chi nhánh TPHCM.

Theo luật sư Hoài, thời điểm đó, Công ty Diệp Bạch Dương còn chưa được thành lập. Ông đề nghị HĐXX làm rõ vì sao có sự việc như vậy trong hồ sơ vụ án.

Trả lời HĐXX, đại diện Agribank nói rằng, ngày 8/11/2008, bà Diệp thế chấp căn nhà 181 Hai Bà Trưng (sát trụ sở Công ty Diệp Bạch Dương) vay 14.000 lượng vàng để mua nhà, đất 57 Cao Thắng. Ngày 15/12/2008, căn nhà này được cấp giấy chứng nhận.

Bà Bạch Diệp sau đó không trả được nợ, đề nghị ngân hàng gia hạn đến 31/10/2009, nhưng cũng không trả được nên có văn bản cam kết thế chấp một trong số 15 tài sản, trong đó có nhà, đất 57 Cao Thắng, để bảo đảm khoản vay 67.000 lượng vàng. Việc thế chấp này được đăng ký giao dịch bảo đảm. Sau khi thế chấp nhà, đất 57 Cao Thắng, Công ty Diệp Bạch Dương mượn lại hồ sơ để đi cập nhật tài sản trên đất.

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp gây rối, la hét tại toà ảnh 1

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa.

Ngày 4/1/2011, Agribank có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai và Sở TN&MT đề nghị chỉ bàn giao lại hồ sơ cho Công ty Diệp Bạch Dương khi có mặt của đại diện ngân hàng, đồng thời thông báo cho Văn phòng Đăng ký đất đai biết về việc hồ sơ của thửa đất đã được thế chấp để đảm bảo cho một khoản vay.

Đại diện Sở TN&MT tại phiên tòa trình bày, sau khi Agribank có văn bản đồng ý cho Công ty Diệp Bạch Dương mượn giấy tờ bản chính, Sở TN&MT đã thực hiện cập nhật tài sản và sau đó giao bản chính cho ngân hàng. Hiện nay, bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất 57 Cao Thắng do Agribank giữ.

Trong khi đó, tại toà, bà Diệp nói: “Những lời khai của đại diện Agribank và Sở TN&MT hoàn toàn là giả mạo và không đáng tin cậy. Tôi là người đi nộp hồ sơ để cập nhật tài sản tại nhà, đất 57 Cao Thắng thì tôi đi nhận về, chứ không phải ngân hàng nhận bản chính hồ sơ này”. Bà Diệp nói đã làm hết sức mình để thực hiện cam kết hoán đổi nhà, đất và mình không lừa vì không thể qua mặt Ủy ban suốt 6 năm.

MỚI - NÓNG