ARV là loại thuốc làm giảm lượng virus HIV, giúp người bệnh khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác. Khi các nguồn viện trợ quốc tế thuốc ARV không còn nữa, người nhiễm HIV/AIDS sẽ đối mặt với điều gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Phúc: HIV/AIDS là căn bệnh mãn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời để sống lâu hơn, khoẻ mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm tới cộng đồng. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong điều trị, phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt với thuốc kháng virus ARV (thuốc kháng virus HIV). ARV là loại thuốc làm giảm lượng virus HIV, giúp người bệnh khỏe mạnh và giúp giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Khi bỏ điều trị bằng thuốc ARV, người nhiễm HIV/AIDS không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, khiến điều trị tốn kém hơn và tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang cộng đồng.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam không còn đại dịch HIV/AIDS. Vì vậy, khi các nguồn viện trợ thuốc ARV hết, Việt Nam vẫn phải đảm bảo nguồn lực để thực hiện mục tiêu trên, nguồn lực đó chính là từ Quỹ BHYT.
Thưa ông, Quỹ BHYT đã chuẩn bị như thế nào cho việc chi trả điều trị HIV?
BHYT toàn dân là một chính sách đảm bảo an sinh xã hội hết sức nhân văn. Giai đoạn trước chúng ta được sử dụng nguồn viện trợ quốc tế, giờ viện trợ không còn thì chúng ta chăm sóc người bệnh bằng BHYT. BHYT sẽ góp phần cùng các nguồn tài chính khác đảm bảo cung cấp thuốc điều trị thường xuyên cho những người nhiễm HIV. Thời gian qua, Quỹ BHYT đã chi trả cho điều trị nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm khác cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.
BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiện toàn và ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với các cơ sở điều trị HIV/AIDS; xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT, và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân điều trị ARV. Đồng thời, phác đồ điều trị thuốc ARV mua bằng Quỹ BHYT là phác đồ Bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam. Để chuẩn bị cho nguồn thuốc ARV năm 2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia tổ chức đấu thầu thuốc ARV với kết quả tốt, giá cạnh tranh, đúng tiến độ.
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ làm gì để người có HIV chủ động hơn trong việc tham gia BHYT, từ đó được bảo đảm tốt nhất việc điều trị bệnh?
Theo thông tin có được, tới nay Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tháo gỡ từng vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với BHYT. Qua đó, người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT tăng theo từng năm, nhiều tỉnh thành đã đạt độ bao phủ BHYT 100% cho người nhiễm HIV/AIDS.
Tuy nhiên, tại một số địa phương độ bao phủ BHYT cho đối tượng này còn thấp do tâm lý sợ lộ thông tin của người bị bệnh, hoặc chờ được hỗ trợ. Một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng không sử dụng, hoặc đến nơi không được hưởng BHYT để che giấu tình trạng bệnh. Do đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Y tế tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về thuốc ARV; tham mưu xây dựng cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT; chỉ đạo, triển khai chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh để người nhiễm HIV yên tâm đến điều trị... Đảm bảo BHYT là xương sống của công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân nói chung và chương trình điều trị HIV/AIDS nói riêng…
Đồng thời, để đảm bảo ổn định Quỹ BHYT, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý để việc sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả và tiết kiệm nhất; Thực hiện tốt việc đấu thầu, mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc hiệu quả, đảm bảo an toàn, chất lượng và giá cả phù hợp. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng cần xem xét, xây dựng lộ trình điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp; tạo thêm các nguồn lực cho khám chữa bệnh BHYT từ các nguồn thuế đối với các mặt hàng như rượu, bia, thuốc lá (những tác nhân làm gia tăng bệnh tật cho cộng đồng)...
Cảm ơn ông!
Hiện cả nước có khoảng 200.000 người nhiễm HIV/AIDS, có khoảng 130.000 người đang dùng thuốc ARV. Trong đó có khoảng 48.000 người nhiễm HIV có thẻ BHYT sử dụng thuốc ARV. Mục tiêu đến năm 2020, số người nhiễm HIV còn lại sẽ được cấp thuốc ARV từ Quỹ BHYT. Mỗi năm, bình quân chi phí khám chữa bệnh cho 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tốn khoảng 6 triệu đồng (gồm thuốc và xét nghiệm). Với hơn 100.000 bệnh nhân HIV cần kinh phí hơn 600 tỷ đồng.