Bệnh viện tắc trách khiến một thương binh tử vong?

Bệnh viện tắc trách khiến một thương binh tử vong?
TPO - Cho rằng phía Bệnh viện đa khoa huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vi phạm nghiêm trọng các quy định về khám, chữa bệnh dẫn đến bệnh nhân là thương binh Trần Đình Dậu (SN 1954, ở thôn Minh Hòa, xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc) tử vong, gia đình đã có đơn tố cáo gửi cơ quan công an, ngành chức năng để làm rõ sự việc.

Cụ thể, theo đơn tố cáo (có chữ ký của vợ, con, anh, em ruột của thương binh Trần Đình Dậu) thì: Ông Trần Đình Dậu là thương binh hạng 4/4, nạn nhân nhiễm chất độc dioxin. Ngày 12/10/2018, ông Dậu có triệu chứng ho. Khi đi khám tại bệnh viện đa khoa Hậu Lộc được bác sĩ chẩn đoán là “viêm phế quản không xác định được đợt cấp hay mãn tính”. Ông Dậu được cho nhập viện điều trị. Ngày 22/10/2018, ông Dậu được xuất viện.

Ngày 30/10/2018, ông Dậu lại có biểu hiện ho, khó thở. Sau khi thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Hậu Lộc, ông Dậu được chuyển vào Khoa Cấp cứu. Sau gần 1 tuần điều trị, mặc dù bác sĩ điều trị nói bệnh có tiến triển tốt, nhưng theo quan sát của người thân chăm sóc cho ông Dậu thì tình trạng bệnh không thuyên giảm và có chiều hướng tăng lên. Biểu hiện như, về đêm ông Dậu rất khó thở, không ngủ được hoặc phải ngủ trong tư thế ngồi...

Vào 7h30 phút ngày 5/11, trực tiếp ông Dậu và người thân gặp, đề xuất với bác sĩ Nghiêm, trưởng khoa cấp cứu (Bệnh viện đa khoa huyện Hậu Lộc) để được chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên, bác sĩ Nghiêm đã từ chối yêu cầu của người nhà và bệnh nhân. 

Khoảng 20h30 phút ngày 5/11, ông Dậu kêu khó thở, toát mồ hôi, mặt tái. Người nhà chạy vào khoa gọi người cấp cứu thì có một y tá tên là Son chạy sang phòng chụp máy chạy khí rung cho ông Dậu. Y tá này chỉ đổ thuốc và cắm máy, còn việc chụp máy chạy khí rung vào miệng và móc dây đeo vào đầu để cố định thì y tá yêu cầu bệnh nhân tự làm, rồi về phòng ngồi.

Một lúc sau, ông Dậu vẫn khó thở, người thân tiếp tục chạy sang gọi y tá. Y tá chạy sang nhắc ông Dậu cứ thở mạnh rồi về phòng. Vài phút sau, ông Dậu tiếp tục khó thở, người nhà chạy đi gọi y tá một lần nữa, đến lần này thì y tá mới gọi bác sĩ.

Lúc này bác sĩ Nghiêm trực tiếp sang thăm khám. Tuy nhiên, bác sĩ Nghiêm không tiến hành cấp cứu khẩn cấp mà nói gia đình cho chuyển lên tuyến trên và về phòng làm hồ sơ. Lúc này ở phòng điều trị, ông Dậu nguy kịch, người nhà chạy sang gọi bác sĩ mới cho đưa bình ôxy sang, rồi tiến hành tiêm, hô hấp nhưng đã muộn. Ông Dậu tử vong lúc khoảng 22h ngày 5/11.

Bà Cao Thị Ngọ (SN 1960, vợ ông Trần Đình Dậu) nói: "Là người bệnh, gia đình tôi luôn tin tưởng, gửi gắm và phó thác tính mạng của mình cho bệnh viện. Việc chồng tôi chết bác sĩ có dấu hiệu thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong khám, chữa bệnh, vi phạm các nguyên tắc của quy chế chăm sóc người bệnh. Do đó, tôi đề nghị cơ quan công an, ngành chức năng xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật...".

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hữu Uyển – Trưởng phòng nghiệp vụ Y (kiêm phát ngôn của Sở Y tế Thanh Hóa) cho biết: Sở đã nhận được đơn của người thân ông Trần Đình Dậu. Theo quy định, đơn thư đã được chuyển về Thanh tra Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa huyện Hậu Lộc để xử lý, báo cáo, trả lời công dân.

MỚI - NÓNG