đấu thầu, xã hội hóa y tế:

Bệnh viện 'đau đầu'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại buổi làm việc với đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ngày 7/10, lãnh đạo Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đều bày tỏ băn khoăn về cơ chế xã hội hóa y tế, đấu thầu mua sắm thuốc, đồng thời đề nghị sớm sửa đổi Luật Khám bệnh chữa bệnh vì nhiều vấn đề đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thực tiễn.

Quanh năm phải lo chuyện đấu thầu

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, mỗi năm bệnh viện mất từ 4 đến 6 tháng để lo việc đấu thầu mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. Đây là lĩnh vực không chỉ tốn nhiều thời gian mà còn tốn rất nhiều nhân lực nhưng lại tiềm ẩn rủi ro.

Từ khó khăn gặp phải, BS Khanh đề xuất giao việc đàm phán một số loại thuốc cho các tỉnh để rút ngắn thời gian, thậm chí cho một số bệnh viện có đủ lực để tham gia đàm phán giá. “Cần xem xét kéo dài thời gian đấu thầu 2 năm một lần vì sự chênh lệch giá trong thời gian trên không nhiều, trừ khi có dịch bệnh”, BS Khanh nói.

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng bày tỏ những băn khoăn và lo lắng trước cơ chế đấu thầu mà các bệnh viện đang phải thực hiện.

Bà Tuyết nói: “Chúng tôi được đào tạo để trở thành bác sĩ, cử nhân, điều dưỡng, hộ sinh chứ không được đào tạo về kinh tế nhưng phải thực hiện nhiệm vụ đấu thầu. Các bệnh viện không nắm được hết những quy định về đấu thầu do đó đã có những sai sót xảy ra dẫn đến vi phạm nghiêm trọng, mất người tài trong lĩnh vực y tế. Cần phải có sự thay đổi phù hợp để bệnh viện thay vì dành thời gian quanh năm suốt tháng đấu thầu thì tập trung vào chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân”.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho rằng, đã đến lúc nên nghĩ tới phương án bỏ đấu thầu, bởi trên thực tế các nước châu Âu đã nhận ra việc đấu thầu không mang lại kết quả như kỳ vọng và đã bỏ phương án này. “Tại sao chúng ta cứ phải đấu thầu, trong khi đó nếu chúng ta quản lý tốt về giá hàng hóa, sản phẩm đầu vào. Ví dụ, một loại thuốc đưa vào Việt Nam thì từ Bắc chí Nam đều mua một giá, tại sao không làm?”, bà Tuyết đặt vấn đề.

Bệnh viện 'đau đầu' ảnh 1

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TPHCM (ảnh: Vân Sơn).

Là người từng có nhiều kiến nghị để thay đổi các cơ chế chính sách liên quan, bà Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM bày tỏ: “Tôi ao ước các bệnh viện công lập được hoạt động theo cơ chế giống như bệnh viện tư nhân. Được quyền định đoạt mua sắm miễn làm sao đảm bảo mục tiêu lo được cho bệnh nhân và bệnh nhân hài lòng, còn chi trả là do bảo hiểm y tế. Việc đấu thầu luôn đòi hỏi sản phẩm phải ngon, bổ mà lại rẻ, và đây là câu chuyện không bao giờ có. Chúng ta có dám để vào trong luật “không bắt buộc phải đấu thầu” mà có nhiều cơ chế cho bệnh viện được chọn không?”

Người giàu và nghèo đều đi cùng một máy bay

Ngoài việc mua sắm thuốc men, vật tư y tế, vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực y tế cũng đặc biệt được quan tâm. Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM bày tỏ mong muốn của ngành y tế trong phát triển xã hội hóa để phát huy các nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại với mục tiêu người giàu, người nghèo đều được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

Ông Thượng lấy hình ảnh về chiếc máy bay để ví von: “Xã hội hóa y tế phải làm sao để người nghèo cũng có thể cùng đi trên chiếc máy bay mới, hiện đại của lĩnh vực y tế cùng với người giàu. Trên cùng chuyến bay, có thể người giàu ngồi ghế thương gia nhưng người nghèo sẽ được ngồi ghế phổ thông”.

Bệnh viện 'đau đầu' ảnh 2

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết phát biểu tại buổi làm việc với đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ảnh: Vân Sơn

“Sửa Luật Khám bệnh chữa bệnh khó có thể giải quyết hết các vấn đề nóng bỏng hiện nay. Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp bách cần phải xử lý càng sớm càng tốt. Những vấn đề nóng liên quan đến lĩnh vực y tế lâu nay Quốc hội đã thấy thì hãy ra nghị quyết để TPHCM được phép làm thí điểm, rút kinh nghiệm để có thể áp dụng, triển khai”.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Ý kiến chung của các đại biểu đều cho rằng, trong bối cảnh các khoản đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực y tế hiện nay nếu không có sự đóng góp từ các nguồn lực của xã hội sẽ rất khó phát triển. Dù vấn đề xã hội hóa y tế còn những vướng mắc cần được tháo gỡ, tuy nhiên TPHCM đang tiếp tục ủng hộ việc xã hội hóa và thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám chữa bệnh.

Tuy nhiên để hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế phát triển bền vững thì cần những cơ chế phù hợp. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, vấn đề cốt lõi của xã hội hóa y tế là khi tư nhân tham gia vào hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh nhà nước thì giá các dịch vụ trong cùng một cơ sở là như nhau, không phân biệt là giá dịch vụ hay giá theo bảo hiểm y tế. Chỉ nên có khác biệt về giá các dịch vụ phi y tế như phòng bệnh, căng tin, giữ xe… “Chìa khóa để xã hội hóa y tế mang lại sự công bằng cho người bệnh là tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ”, ông Dũng nói và cho biết, hiện nay, phí khám chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ. Các chi phí được tính mới chỉ có 4/7 yếu tố cấu thành giá, chưa có chi phí khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản, chi phí quản lý, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Do đó, theo ông Dũng, cần sớm triển khai tính đúng tính đủ các yếu tố cấu thành giá để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành y tế.

Ghi nhận các vấn đề khó khăn của ngành y tế thành phố, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM cho hay, đầu tuần tới, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ có văn bản gửi trước cho Quốc hội và các cơ quan của Trung ương. “Tại kỳ họp Quốc hội tới, đây sẽ là cơ sở để các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu và đóng góp ý kiến, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi)”, bà Tuyết nói.

MỚI - NÓNG