Khỏi cần mổ, đã… bó bột
Danh Sua (người dân tộc Khơ me - 19 tuổi) - ngụ ấp Thạnh Bình, xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, làm công nhật chuyên về gò hàn cho 1 công ty. Chiều 30/11, Sua cùng người bạn từ công ty chạy xe về nhà thì bị tai nạn.
Khoảng 18h30 tối 30/11, Sua nhập viện. Sau khi được Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang làm xét nghiệm, chụp X quang, Sua được chẩn đoán là gãy hở độ 1 ở 1/3 trên cẳng chân trái và được cho bó bột ở đùi.
Nguyên nhân khiến tai nạn xảy ra cho Danh Sua là quên gạt chân chống xe, khi điều khiển xe với tốc độ cao khoảng 60km/giờ, chân chống vô tình va vào chướng ngại vật trên đường và té nhào.
“Em thấy cái xương dưới đầu gối gãy lòi ra ngoài, máu chảy nhiều, nhưng chụp X quang xong, bác sĩ nói chỉ bị nhẹ nên cho bó bột. Sang ngày hôm sau - 1/12, em thấy chỗ vết thương máu còn chảy ra nhiều, ướt đỏ cả băng bột”.
Bác sĩ Trương Công Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang cho biết, sau khi có phản ánh của gia đình bệnh nhân Danh Sua, bệnh viện có cho rà soát bước đầu quá trình điều trị đối với Sua.
Qua đó cho thấy, sau khi bó bột xong vào lúc 21h25 ngày 30/11, suốt đêm đó bệnh nhân không có diễn biến gì lạ. 8h hôm sau (1/12), bác sĩ tới khám lại thấy cẳng chân trái không đau…
Cũng theo bác sĩ Thành, đến 8h ngày 2/12, bệnh nhân mới than đau cẳng chân. Bác sĩ khám lại thì thấy vận động, cảm giác chân trái của Sua hạn chế.
Đến 14h cùng ngày, khám lại thì phát hiện bệnh nhân bị mất vận động, mất cảm giác chân trái, nên cho làm siêu âm, chụp DSA mạch máu. Xét nghiệm thấy chỗ vết thương bị chèn ép khoang, nên được phẫu thuật giải áp lúc 15h50.
“Sau đó bệnh nhân không cải thiện nên được tiến hành đặt bất động ngoài và rạch rộng giải áp lúc 2h50 ngày 3/12. Đến 13h ngày 3/12, bệnh nhân có biểu hiện hoại tử cơ vân (chân trái sưng nề mất cảm giác, vận động) nên được chỉ định đoạn chi (cắt bỏ giò trái - PV)”, bác sĩ Thành kể.
Chủ nhật nên… không có bác sĩ
Anh Danh Giỏi - anh rể của Sua, kể gia đình rất tin tưởng vào các y, bác sĩ, hễ họ kêu gì thì làm theo. Từ lúc Sua nhập viện cho tới khi bị cưa bỏ chân trái kéo dài trong 3 ngày.
“Sáng ngày 1/12, thấy thằng Sua than đau quá, tui chạy kêu bác sĩ thì có cô y tá trong Khoa Chấn thương chỉnh hình kêu chờ chút. Hôm đó là Chủ nhật, rồi không thấy bác sĩ nào tới khám luôn. Sua chịu đau nhức cho tới sáng 2/12 mới có bác sĩ tới khám. Tui thấy kiểu điều trị ở bệnh viện này lơ là quá”, anh Giỏi bày tỏ.
Cũng theo anh Danh Giỏi thì Sua trải qua nhiều lần mổ và bác sĩ kêu người nhà viết 2 bản cam kết. Lần cuối thì… cưa bỏ chân. “Mổ lần đầu, bác sĩ nói giò em Sua bị gãy xương nhưng đứt mạch máu nên máu không lưu thông tới các ngón chân. Bác sĩ đọc và kêu tui viết cam kết. Nội dung chính là: “Tôi tên là Thị Lan - mẹ của bệnh nhân Danh Sua. Tôi đồng ý cho Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang phẫu thuật. Nếu có xảy ra sự cố gì thì gia đình không được khiếu nại về sau”. Mẹ vợ tui ký tên vô tờ cam kết, rồi họ đẩy Sua qua Khoa Tim mạch mổ”, anh Danh Giỏi kể.
Lần viết cam kết thứ 2 cũng do bác sĩ đọc và kêu chị Thị Tua (chị ruột của Danh Sua - con bà Thị Lan) viết. Nội dung cũng nói gia đình đồng ý cho bệnh viện… cưa giò Danh Sua, sau này có chuyện gì thì… không được khiếu nại.
“Lúc đó, nghe bác sĩ nói mạch máu trong giò của Danh Sua đã chết. Nếu không cưa bỏ giò thì nó di chứng lên tim, sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Bác sĩ nói phải cắt bỏ mới được. Nghe vậy nên tui mới viết cam kết cho mẹ tui ký tên vô, gia đình đồng ý cưa giò Danh Sua”, chị Thị Tua kể.
Bà Thị Lan (mẹ Danh Sua) cho biết, gia đình bà có 6 người con, chồng đã mất hơn chục năm nay. Các con đều có gia đình riêng, hiện bà sống cùng 2 người con. Danh Sua là con út, lao động chính nuôi bà. Người còn lại là anh của Sua, đang đi bộ đội.
Nhà bà nghèo nên Sua bị cụt chân đã trở thành gánh nặng. Tổng cộng tiền điều trị cho Sua tốn hết 32 triệu đồng, gia đình chỉ trả cho bệnh viện được 13 triệu đồng, còn nợ 19 triệu đồng.
Anh Danh Giỏi nói: “13 triệu đồng đó cũng đi vay nóng. Anh thằng Sua đi lính không sao, mà nó ở nhà lại trở thành “thương binh” lãng xẹt. Gia đình chỉ mong các cơ quan chức năng làm rõ chuyện này. Ngoài chuyện miễn phí tiền điều trị, bệnh viện phải bồi thường theo pháp luật. Bởi vết thương của em tui không đáng phải bị cưa chân bỏ. Cái chân bị gãy xương mà bác sĩ cho bó bột kín mít mấy ngày là biết điều trị không trúng rồi”!
Ngày 24/12, tiến sĩ - bác sĩ Trần Quang Hiền (Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế tỉnh An Giang) nhận định khách quan, như trường hợp của bệnh nhân Danh Sua được bệnh viện chẩn đoán gãy hở độ I, tức là nhẹ. Do đó, điều trị bằng phương pháp bó bột là không sai. Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến chèn ép khoang và tỷ lệ không thường xuyên xảy ra, nên trong y khoa cũng khó lường trước được. Khi đã bị chèn ép khoang là bị hoại tử, mà không xử lý hoại tử thì mạch huyết thối sẽ chảy lên thuyên tắc nên phải đoạn chi (cưa chân, tay…).
Gãy hở độ I xương chưa di lệch hơn 1/3 thì chưa cần thiết phải phẫu thuật xuyên đinh, kéo tạ. Bởi dù bệnh nặng có phẫu thuật, thì sau bó bột vẫn có thể dẫn đến chèn ép khoang. Vấn đề là ở chỗ, bác sĩ có theo dõi sát để phát hiện biến chứng sau bó bột và xử lý đúng quy trình hay không mà thôi. Nếu bệnh nhân than đau, được kêu mà bác sĩ không tới để dẫn đến hậu quả phải cắt bỏ chi là sai! Nhưng phải coi lại quá trình theo dõi biến chứng và quy trình điều trị chèn ép khoang thì mới biết lỗi ở đâu được.
Sẽ xử lý nghiêm nếu có sai
Ngày 7/1, bác sĩ Trương Công Thành - PGĐ BVĐK Kiên Giang - cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã tiếp nhận đơn của gia đình bệnh nhân Danh Sụa và đã chỉ đạo xem xét, làm rõ khiếu nại việc bệnh nhân Sụa bị chẩn đoán sai dẫn đến cưa mất chân.
“Trước mắt, hội đồng chuyên môn đã kết luận có sơ suất trong khâu khám, chẩn đoán ban đầu do bác sĩ trực còn thiếu kinh nghiệm. Riêng việc có tắc trách hay không thì phải xác minh thêm.”, bác sĩ Thành nói.Trong năm 2013, bệnh viện tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị gãy xương tương tự như Danh Sua, nhưng đây là bệnh nhân duy nhất bị cưa bỏ chân.