Bệnh nhân ung thư chấp bút cho người đồng bệnh

Nhà báo Cẩm Bào và nhà văn Hoàng Thị Diệu Thuần tại buổi giới thiệu cuốn Đóa hoa vô thường
Nhà báo Cẩm Bào và nhà văn Hoàng Thị Diệu Thuần tại buổi giới thiệu cuốn Đóa hoa vô thường
TPO - Họ đều là những bệnh nhân ung thư, nhân vật chính và người chấp bút. Cả hai đều đang chạy đua với thời gian để chống chọi lại căn bệnh quái ác và hoàn thành nốt những dự án của cuộc đời.

Chạy đua với thời gian

Ngày 8/6, tại hội trường khoa Nội 3 bệnh viện Ung bướu Hà Nội, diễn ra buổi ra mắt cuốn sách “Đóa hoa vô thường”. Đó là những ghi chép về cuộc đời nhà báo Cẩm Bào do nhà văn Hoàng Thị Diệu Thuần chấp bút.

Buổi ra mắt sách có một không hai, khi mà nhân vật chính nở nụ cười động viên, tri ân còn những người tham dự thì nước mắt lại lã chã tuôn rơi.

Nhà báo Cẩm Bào là Phó Ban Thư ký Tòa soạn của tạp chí Tri thức và Công nghệ. Chị cũng là người sáng lập Câu lạc bộ thiện nguyện Hoa ưu đàm – Vì bệnh nhân ung thư.

Bệnh nhân ung thư chấp bút cho người đồng bệnh ảnh 1 Tác phẩm Đóa hoa vô thường

Nhà văn Hoàng Thị Diệu Thuần chia sẻ, chị nhận được tin nhắn của chị Cẩm Bào vào một đêm của tháng 1/2019 về ý định muốn có một cuốn sách để dành cho con gái, để sau này, khi chị đi xa, trong quãng đường đời của con gái chị, sẽ luôn có chị ở bên qua từng trang sách. Diệu Thuần cũng là bệnh nhân ung thư, phát hiện vào năm 2005, từng đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết và từng viết sách về cuộc đời mình. “Nhưng viết về cuộc đời của một người khác là trải nghiệm hoàn toàn mới, thậm chí khó khăn với một người viết không chuyên như tôi” – Diệu Thuần viết trong lời tựa cuốn sách.

Ban đầu, thậm chí Diệu Thuần đã từ chối Cẩm Bào với suy nghĩ “Chưa từng làm vợ, và mãi mãi không bao giờ có được thiên chức làm mẹ, tôi tự hỏi làm sao có thể đồng cảm để viết được cuốn sách này”.

Thế rồi, bằng sự mộc mạc và chân thành của Cẩm Bào, Diệu Thuần đã “không được phép từ chối nữa, mà phải thật nhanh, thật nhanh lên, vì chị đâu còn nhiều thời gian…”.

Nếu còn một ngày để sống…

Chị Cẩm Bào được chẩn đoán mắc ung thư năm 2012. Theo tiên liệu của bác sĩ thì thời gian của của chị chỉ còn khoảng 2 năm. Tuy nhiên đến nay, bằng sự hỗ trợ của y tế và nỗ lực của bản thân, chị đã có 7 năm đối mặt với căn bệnh quái ác này. Trước buổi ra mắt sách, chị vẫn sốt và nôn, tình trạng sức khỏe kiệt quệ, không ai nghĩ chị có thể tham dự được buổi ra mắt cuốn sách dù thời gian đã gói gọn vỏn vẹn trong 1 giờ đồng hồ.

Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách “Đóa hoa vô thường”, nhà báo Cẩm Bào kể: Cách đây hai ngày có một nhà báo phỏng vấn tôi “Nếu còn một ngày để sống thì chị sẽ làm những việc gì?”. Tôi đã nói với chị ấy “Một ngày để sống thì đó là tôi đã trúng số độc đắc. Tôi sẵn sàng chia sẻ những công việc thiện nguyện còn lại. Còn chuyến đi của tôi, tôi đã chuẩn bị khá đầy đủ và chu đáo, kể cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen”.

Đóa hoa vô thường là đứa con tinh thần là ước nguyện của tôi trong suốt nhiều năm đến khi mắc căn bệnh ung thư. Tôi hạnh phúc hơn là đứa con tinh thần của tôi lại được ra mắt tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, nơi ban tặng sự sống, cho tôi nụ cười và cho tôi từng bước đi. Tôi gửi lời cảm ơn tất cả những người có mặt hôm nay cũng như những trái tim, tin nhắn, những cú điện thoại thăm hỏi động viên. Tôi xem đó là ân nhân.

Bệnh nhân ung thư chấp bút cho người đồng bệnh ảnh 2  Nhóm phóng viên Y tế đồng hành với chị Cẩm Bảo trong cuộc chiến chống ung thư

Cuốn sách này không phải là một sự cầu kỳ to lớn. Mục đích của tôi là muốn tặng lại cho con gái của tôi. Tôi muốn sau khi tôi lên chuyến tàu cuối cùng thì “khoảng cách địa lý tuy xa/ Nhưng tình thương ấy bao la dạt dào”. Tôi muốn sau khi từng ngày đọc cuốn sách này thì cháu sẽ cố gắng làm được những công việc tốt. Tuy là nhỏ bé nhưng sẽ trở thành người tốt và sẽ tiếp tục hành trình thiện nguyện giúp tôi.

Một điều tôi muốn chia sẻ trong cuốn sách này là về những người đi qua cuộc đời tôi. Trái tim của tôi như một cái thư viện chia ra làm từng ngăn. Mỗi một ngăn tôi để một câu chuyện tình người. Và bảy năm qua tôi được như thế này cũng nhờ cái thư viện đó. Có những lúc khi buồn hay khi vui tôi mở thư viện và tôi lắng nghe lại. Có người đã đi qua cuộc đời tôi nhưng có những người vẫn âm thầm bên tôi và hành trình thiện nguyện của tôi thì được họ nâng đỡ rất nhiều.
Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian, từ khi tôi mắc bệnh ung thư. Hành trình trình này có rất nhiều đau đớn nhưng cũng rất hạnh phúc. Một cánh cửa đóng lại thì cánh cửa sổ lại mở ra. Vì vậy tôi mong muốn cộng đồng bệnh nhân ung thư gắng sống và sống vui, có ý nghĩa.

Bệnh nhân ung thư chấp bút cho người đồng bệnh ảnh 3 Nhiều bệnh nhân ung thư tham dự buổi ra mắt cuốn sách

“Nếu ngày mai tôi cầm tấm vé lên chuyến tàu về ga mới, tôi có một ước nguyện, quý vị đến tiễn tôi hãy tặng tôi những nụ cười và những tia nắng. Tôi sẽ bỏ vào vali để làm hành trang quý giá nhất lên chuyến tàu về ga cuối”, nhà báo Cẩm Bào nhắn nhủ.

Có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách, nhà văn Tạ Hà chia sẻ “Chiều nay, ở phòng bệnh, anh Tâm (chồng của chị Cẩm Bào-PV) nói anh đã chuẩn bị ban thờ cho chị rồi đấy, còn chị cười như thể xác nhận đó không phải chuyện đùa. Anh bảo anh chụp ảnh để chị chọn. Lời nói ấy bình thản nhưng sao cứ thấy xót xa tận cuống tim”.

Chứng kiến cảm xúc của những người tham dự, nhà báo Chiến Thắng, người dẫn chương trình của buổi ra mắt xúc động nói: “Chúng ta những người bình thường không dễ gì cảm nhận được những khó khăn, áp lực của người mắc ung thư. Chị Cẩm Bào là người đầu tiên đưa ra khái niệm là người đồng bệnh. Đây không chỉ đơn giản là những người cùng mắc một căn bệnh mà còn là sự đồng cảm của những người cùng chung cảnh ngộ”.

Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian. Từ khi tôi mắc bệnh ung thư, hành trình này có rất nhiều đau đớn nhưng cũng rất hạnh phúc. Một cánh cửa đóng lại thì cánh cửa sổ lại mở ra. Vì vậy tôi mong muốn cộng đồng bệnh nhân ung thư gắng sống và sống vui, có ý nghĩa. (Nhà báo Cẩm Bào)

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.