Bệnh dại - Nỗi đau được báo trước

Bệnh dại - Nỗi đau được báo trước
TP - Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình bệnh dại đang có nguy cơ diễn biến phức tạp và gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Đã có gần 60 trường hợp tử vong sau khi bị chó dại cắn từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân của những nỗi đau này bắt nguồn từ những lý do hết sức đơn giản.
Bệnh dại - Nỗi đau được báo trước ảnh 1

Chó thả rông tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi rút dại. Ảnh: Như Ý.

Đến bây giờ người nhà cháu Hoàng Đại Tâm (thôn Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của cháu. Ngày 29/3 khi đang trên đường đi học, tới gần cổng trường, Tâm bất ngờ bị một con chó lạ cắn. Hai ngày sau, bố mẹ đưa Tâm đi chữa tại nhà một ông thầy lang ở Quý Sơn bằng phương pháp… thử trứng gà. Ông lang này sau một hồi bắt mạch khẳng định cháu bị chó dại cắn nhưng khuyên người nhà bệnh nhân không nên cho cháu đi tiêm phòng vì sau này sẽ ảnh hưởng đến… sinh đẻ. Các vết thương của Tâm được đắp thuốc nam 4 ngày tiếp theo. Tuy nhiên, gần nửa tháng sau, Tâm bất ngờ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, chảy dãi kèm theo đau bụng, sợ gió, sợ nước. Gia đình hoảng hốt đưa em đi bệnh viện mới phát hiện cháu bị lên cơn do chó dại cắn. Hai ngày sau khi vào bệnh viện, dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng Tâm không qua khỏi.

Ngày 29/9, bà  Nguyễn Thị Dùng ở thôn Đông Lại, xã Song Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cũng mãi mãi ra đi vì nhiễm vi rút bệnh dại. Người nhà bà Dùng kể lại, khoảng 2 tháng trước đó, bà Dùng dùng tay bắt con chó nuôi ở nhà không may bị cắn vào ngón tay cái và ngón trỏ bên phải. Tình trạng vết cắn nông, chảy ít máu. Bà tự rửa vết thương bằng ô-xy già sau đó đến nhà một ông lang ở xã Liên Chung (huyện Tân Yên) để thử bệnh dại. Ông lang phán bà không bị bệnh dại nên bà chủ quan không đi tiêm vắc xin phòng dại. Thời điểm xảy ra vụ việc, con chó cắn bà Dùng đã cắn hai người khác nên người nhà đã mang chó đi bán để giết thịt. Khi bà Dùng có biểu hiện sốt cao, đau đầu, chán ăn, ngủ ít, người nhà đã đưa bệnh nhân đến Trạm y tế xã Song Vân khám và được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa  huyện Tân Yên rồi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang. Bà bị lên cơn dại do chó cắn, thở khó khăn, sợ nước, sợ gió, gào thét trong hoảng loạn và sau đó tử vong.

Tin Thầy lang đuổi cán bộ y tế

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng từ ngày 1/1/2017 đến 10/10/2017 toàn tỉnh Bắc Giang ghi nhận gần 7 nghìn đối tượng bị chó, mèo nghi dại cắn đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại. Những người bị cắn nhưng không đi tiêm còn có thể cao hơn. Cũng từ đầu năm đến nay, riêng địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có 8 trường hợp tử vong do nhiễm vi rút dại từ chó cắn. Một điểm đáng chú ý là hầu hết các trường hợp này đều là người dân tộc thiểu số, sống ở các huyện miền núi, không đi tiêm vắc xin khi bị chó cắn và dùng thuốc nam của các thầy lang. Khảo sát của các cơ quan y tế Bắc Giang khá nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa nhận thức việc bị chó cắn là rất… bình thường. Đặc biệt hơn, nhiều người cho rằng việc đi tiêm phòng vắc xin chó dại rất độc hại và ảnh hưởng đến cơ thể, khả năng sinh sản, nhất là đối tượng trẻ em. Chính vì thế, họ tin tưởng vào thuốc nam và các ông, bà hành nghề thầy lang ở gần nhà. “Chúng tôi đã từng chứng kiến việc có những nơi người dân bị chó cắn là kéo đến nhà thầy lang. Thậm chí có những lần đông nghịt người đến nhờ thầy lang chữa bệnh chó dại cắn. Khi chúng tôi đến tuyên truyền thì người dân quay ra đuổi chúng tôi đi vì họ hoàn toàn tin tưởng vào thầy lang”, bác sĩ Giáp Văn Minh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang kể.

Cũng theo bác sĩ Minh, đến thời điểm này, cả đông y và tây y đều xác định những ca bị chó dại cắn khi đã lên cơn thì tỷ lệ tử vong là 100%. Thế nhưng, việc ngăn chặn tình trạng này không hề đơn giản. Khó khăn đầu tiên hiện nay là việc quản lý đàn chó nuôi vẫn còn rất bất cập về cả cơ chế và công tác tiêm phòng cho đàn chó. Theo đánh giá, hiện nay chỉ có một tỷ lệ nhỏ chó được tiêm phòng hàng năm. Trong khi đó, các chế tài dành cho chủ chó để cho chó cắn người dẫn đến bị bệnh dại hầu như không có. Mới đây, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang ký văn bản với lãnh đạo các huyện, thành phố trong đó nêu rõ nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng người bị chó dại cắn dẫn đến tử vong thì chủ tịch UBND các địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đây được coi là một trong những biện pháp mạnh tác động đến các cơ quan quản lý nhà nước. “Nhằm hạn chế tối đa việc bị các loại động vật như chó, mèo cắn và các trường hợp tử vong do bệnh dại gây ra thì hiện nay cần có sự chỉ đạo quyết liệt, triệt để của các cấp chính quyền, sự tham gia, vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt của người dân và toàn thể cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại”, bác sĩ Giáp Văn Minh cho biết. 

Giai đoạn 2015-2016, tình hình bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng năm 2017, đã có 57 ca tử vong do bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố, phần lớn xảy ra tại các tỉnh phía Bắc (32 ca). Số ca tử vong này tương đương số cùng kỳ năm ngoái chỉ ở 22 tỉnh thành phố.               

Nguồn: Cục Thú y, Bộ NN&PTNT 

MỚI - NÓNG