Mỗi tháng có 6 người chết vì bệnh dại

TPO - Theo Cục Thú y, riêng 9 tháng năm 2017, đã có 57 ca tử vong do bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố, phần lớn xảy ra tại các tỉnh phía Bắc (32 ca). Số ca tử vong này tương đương số cùng kỳ năm ngoái chỉ ở 22 tỉnh thành phố. 

Ngày 27/9, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) với chủ đề “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030”.

Theo Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Đàm Xuân Thành, hiện nay cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và trên 3,8 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc-xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn.

Giai đoạn 2015-2016, tình hình bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016, cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014). Riêng 9 tháng năm 2017, đã có 57 ca tử vong do bệnh dại tại 29 tỉnh, thành phố, phần lớn xảy ra tại các tỉnh phía Bắc (32 ca). Số ca tử vong này tương đương số cùng kỳ năm ngoái chỉ ở 22 tỉnh thành phố. Tình hình bệnh lây lan tới nhiều tỉnh đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp đáp ứng kịp thời.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO Việt Nam cho rằng, để có thể loại trừ bệnh dại vào năm 2030, chính phủ Việt Nam cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa đặc biệt là quản lý được tổng đàn chó thực tế, tăng tỷ lệ tiêm phòng và đảm bảo có vắc xin kịp thời cho những người bị chó cắn. Tổ chức FAO và WHO cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho hai Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế để thực hiện mục tiêu này.

Hàng năm, trên thế giới, bệnh dại gây ra 59.000 ca tử vong. Những ca tử vong này đã có thể phòng tránh được nếu ba biện pháp chính bao gồm tiêm phòng cho chó, phòng tránh bị chó cắn và tới ngay cơ sở y tế để tiêm phòng nếu không may bị chó cắn. Bệnh dại không thể chữa được khi người bị chó cắn có các biểu hiện nhiễm bệnh, người bệnh trải qua cái chết từ từ và đau đớn. Tuy nhiên, việc tiêm phòng ngay sau khi bị động vật cắn có thể cứu sống tính mạng và tránh khỏi đau đớn.

Về phía Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, - Bộ Y tế nhận định, loại trừ bệnh dại trên người là khả thi từ năm 2030, với điều kiện 70% tổng đàn chó thực tế cần được tiêm phòng và những người bị chó cắn phải tới cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng kịp thời. "Chúng tôi kêu gọi sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp hợp tác với hai ngành y tế và thú y để chỉ đạo và cung cấp đủ nguồn lực kiểm soát bệnh”, ông Phu nói. 

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Y tế tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp đã được đưa ra trong Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2017-2021. Trong đó, cần thiết phải có sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các tổ chức, ban, ngành và từng người dân trong công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt là công tác quản lý đàn chó, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó nuôi. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biện pháp phòng chống bệnh dại...

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại. Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại nhấn mạnh, tiêm phòng cho chó là giải pháp tốt nhất để ngăn chặn bệnh dại lây sang người.

Sau lễ mít-tinh, hàng trăm người dân đã tham gia lễ diễu hành hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại năm 2017 tại thành phố Bắc Giang. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó nuôi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống bệnh tật tỉnh Bắc Giang tổ chức bàn tiếp đón, tư vấn phòng ngừa bệnh dại cho người dân.

MỚI - NÓNG