Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass |
“Các bạn có nhớ Tổng thống Nga Vladimir Putin và tôi từng nói rằng chúng tôi sẽ nâng cấp các máy bay Sukhoi của Belarus để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân. Bạn nghĩ rằng chúng tôi chỉ ba hoa? Giờ thì mọi thứ đã xong!”, ông Lukashenko nói, theo hãng thông tấn Belta.
“Họ (phương Tây) phải hiểu rằng nếu họ chọn leo thang thì sẽ không có máy bay hoặc trực thăng nào có thể cứu vãn. Mọi thứ đã sẵn sàng. Sẽ là một ý tưởng tồi nếu leo thang với Belarus, vì việc đó chẳng khác nào leo thang với quốc gia liên minh của Nga và Belarus – vốn có vũ khí hạt nhân. Nếu họ tạo ra các vấn đề thì chúng tôi sẽ phản ứng nhanh chóng.”
Tổng thống Belarus đang đề cập đến cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 6. Trong đó ông Lukashenko bày tỏ lo ngại về việc Ba Lan yêu cầu Washington triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đến nước này.
“Ba Lan đang huấn luyện lực lượng để triển khai đầu đạn hạt nhân. Ông có thể vui lòng ít nhất là giúp chúng tôi cải tiến các máy bay chiến đấu mà chúng tôi có để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân?”, ông Lukashenko nói với ông Putin trong cuộc gặp.
Sau đó, ông Lukashenko ước tính rằng quá trình cải tiến máy bay có thể hoàn thành trong vòng vài tháng.
Mỹ đã huấn luyện các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phi hạt nhân như Ba Lan cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của mình trong nhiều thập kỷ. Mátxcơva từ lâu đã gọi các cuộc tập trận này là hành vi vi phạm cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Washington, nhưng Mỹ phủ nhận cáo buộc.
Trong cuộc gặp với ông Lukashenko hồi tháng 6, Tổng thống Putin đã đề nghị hỗ trợ hiện đại hóa các máy bay chiến đấu của Belarus tại các nhà máy quân sự của Nga và đào tạo các phi công của nước này để giảm bớt lo ngại của Minsk về NATO.
Đáng chú ý, lãnh đạo Nga cam kết "trong vòng vài tháng tới", Mátxcơva sẽ gửi cho Minsk hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có thể sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình “cả phiên bản thông thường và phiên bản hạt nhân”.