Bê vải ngủ gật cũng kiếm bạc triệu mỗi ngày

Phu vải chịu khó, kiếm tiền triệu mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Hiến
Phu vải chịu khó, kiếm tiền triệu mỗi ngày. Ảnh: Nguyễn Hiến
TP - Những ngày chính vụ tại “thủ đô” vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhiều phu bốc vác vải kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tuy thế, cái giá họ phải trả cũng không nhỏ, khi phải bê vác tới 20 tiếng/ngày. Thậm chí, có người vừa bê, vừa ngủ gật.

Theo các phu vải, hai khâu “hái tiền” nhiều nhất là đóng vải vào thùng xốp và bốc lên xe, với giá 600-800 nghìn đồng/tấn. Anh Nguyễn Văn Giang, một phu đóng vải ở điểm cân phố Kép, xã Hồng Giang (Lục Ngạn), cho biết: “Tổ chúng tôi có trên dưới 10 người. Bình thường anh em đóng khoảng 15 tấn/ngày, có hôm đóng đến 27 tấn. Ai đủ sức đóng trọn ngày công, từ 4 giờ sáng ngày hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau tiền công tới 1,7 triệu đồng; còn nửa ngày công chỉ gần 1 triệu”.

Theo anh Giang, ngoài bốc xếp, việc khiêng sọt hộ người dân bán vải và xin số vải rụng cũng “kiếm” thêm được chút ít. Anh nhẩm tính, mỗi sọt vải cỡ 1 tạ, có khoảng 4kg vải rụng. Nên cứ 10 tấn vải sẽ hốt 400kg, với giá 7 nghìn đồng/kg, số tiền kiếm được cũng tới 2,8 triệu đồng. Trong trường hợp người bán không cho vải rụng, phải có khoản bồi dưỡng cho phu khiêng.

Tuy nhiên, để kiếm được tiền triệu, phu vải phải nai lưng “cày”, và cái giá với họ không rẻ. Anh Phạm Văn Huân, một phu đóng vải tại điểm câ n xóm Khuyên, xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho hay, muốn làm, sức khỏe cũng phải như... vâm. Trung bình một tổ có 7 người sẽ đóng 8 tấn vải, tương đương khoảng hơn 500 thùng xốp. Trong 7 người, 2 người nhấc lên vai cho 3 người vác, 2 người còn lại đỡ lên xe tải.

Chưa kể, phu vải phải kiêm nhiều việc khác. Một phu vải kể: Buổi sáng, khi điểm cân mở, cửu vạn phải khiêng những sọt vải nặng và nhặt vải xấu. Sau khi cân xong, phu vải phải chặt những cây đá lạnh thành từng khối vuông, vừa vặn xếp vào hộp xốp (trước khi cho vải lên trên). Trung bình 10 tấn vải phải có 5 tấn đá lạnh; mỗi cây đá có trọng lượng khoảng trên 40 cân.

“Ngoài công bê vác nặng nhọc, việc phải thức đêm, dậy sớm liên tục, có lúc anh em chúng tôi đang bê thùng vải mà chỉ muốn đổ gục xuống ngủ tại chỗ”- anh Nguyễn Văn Tân nói.

Nhiều phu vải chỉ mong mùa vải kéo dài. “Mùa vải chỉ hơn một tháng đã có khoản tiền lớn, mệt mấy cũng phải cố thôi. Chỉ mong xong vụ, người không đổ bệnh”- một phu vải nói.

MỚI - NÓNG