Bê tông hóa cả mặt hồ

Bê tông hóa cả mặt hồ
TP - “Nếu chỉ để ăn uống và vui chơi thì hồ Tây không cần cầu cảng đồ sộ và chiếm nhiều diện tích mặt nước như vậy. Các dịch vụ này trên bờ và bất kỳ đâu ở Hà Nội cũng có thể phục vụ thượng khách có tiền”.

Nhiều chuyên gia kiến trúc đã nói như vậy khi biết mục đích chính của việc xây dựng cầu cảng.

Theo các chuyên gia, trước đây hồ Tây có diện tích 526 ha, nhưng theo phương án quy hoạch tổng thể vừa được Thủ tướng phê duyệt thì diện tích mặt nước hồ Tây hiện chỉ còn khoảng 500 ha. Việc quy hoạch tổng thể hồ Tây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và lưu ý, mọi tác động, làm thay đổi cảnh quan, kiến trúc xung quanh hồ Tây cần phải xin ý kiến của Thủ tướng. Hơn nữa, từ nhiều năm nay, hồ Tây cũng được xếp vào 1 trong 4 khu vực cấm xâm phạm (là khu chính trị Ba Đình, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ và hồ Tây). Vậy nhưng diện tích mặt hồ này vẫn có thể bị “xẻ thịt” bất kỳ lúc nào vì có rất nhiều dự án đang nhòm ngó.

Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, do lo ngại cảnh quan hồ Tây bị xâm phạm nên một dự án lớn và quy mô như Thủy cung Thăng Long trước đây cũng được Chính phủ quyết định dừng lại. Gần đây việc kè bờ hồ Tây cũng chỉ được triển khai sau khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. “Với dự án xây cầu cảng, khoanh gần 2 ha hồ Tây bằng bê tông nhưng trong kế hoạch triển khai không thấy Trung tâm Phát triển quỹ đất hạ tầng đô thị và UBND quận Tây Hồ nhắc gì đến xin ý kiến Thủ tướng là một điều rất khó hiểu”, ông Nghiêm đặt câu hỏi.

Trở lại các nhà thuyền nổi trên hồ Tây, ông Nghiêm cho rằng, nếu chỉ phục vụ ăn uống và ngắm cảnh thì các nhà nổi không nên tồn tại trên hồ Tây. Chưa cần đặt vấn đề môi trường cũng như hiệu quả kinh tế, chỉ tính riêng việc phải khoanh gần 2ha mặt nước tại vị trí đắc địa để thuyền hoạt động và cơ quan chức năng lại phải thành lập riêng một đội quân (trả lương từ ngân sách) để giám sát, quản lý thì cần phải xem lại. Đó là chưa nói đến hiệu quả quản lý khi các thuyền vào cầu cảng nhưng vẫn được phép rong ruổi bất kỳ đâu nếu khách có nhu cầu.

Theo ông Nghiêm, ngân sách bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để kè và làm bờ dạo xung quanh hồ Tây để mọi người ngắm cảnh vì vậy không nhất thiết cứ phải ngồi trên thuyền mới ngắm được hồ Tây. Hơn nữa chỉ những thượng khách có nhiều tiền mới lên thuyền chứ đại bộ phận nhân dân không phải ai cũng lên được. Vì vậy, hồ Tây chỉ nên cấp phép trên mặt nước cho những trò vui chơi, giải trí mang tính khám phá tự nhiên, vẻ đẹp cảnh quan để đông đảo nhân dân ai cũng có thể tiếp cận được.

Một báu vật như hồ Tây giữa lòng thủ đô Hà Nội, quyết không thể bị xâm phạm, bị bê tông hóa mặt hồ để phục vụ cho những mục tiêu thương mại, thiển cận trước mắt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.