Bế tắc vì mua đất nơi hoang vu trong đợt sốt bất động sản

Chưa có ngôi nhà nào được xây trong khu vực anh Phước mua đất - Ảnh: NVCC.
Chưa có ngôi nhà nào được xây trong khu vực anh Phước mua đất - Ảnh: NVCC.
Mua miếng đất nền ở ngoại thành TP HCM, anh Phước giờ bán không được vì không có ai mua, nhưng nếu xây lên, anh cũng không dám về ở.

Dưới đây là chia sẻ của anh Bùi Văn Phước, 32 tuổi, hiện sống tại TP HCM.

Sau nhiều năm đi làm, dù thu nhập chỉ khoảng 12-15 triệu/tháng nhưng không có thời gian tiêu tiền nên vào năm 2016, tôi đã có khoản tiết kiệm tầm 400 triệu. Có một số vốn tạm ổn, tôi tính chuyện mua nhà đất, vì được thấm nhuần quan điểm "người thì ngày càng tăng nhưng đất thì vẫn thế".

Ý định mua nhà đất càng được củng cố khi tôi và bạn gái lên kế hoạch kết hôn. Bạn gái tôi góp thêm được 200 triệu nữa. Cầm 600 triệu, tìm mua nhà đất ở TP HCM từ cuối năm 2016 thật sự không dễ dàng vì giá bất động sản tại TP HCM lúc đó đang tăng liên tục.

Tôi còn nhớ, chúng tôi từng rất kết một ngôi nhà cấp 4 rộng 82m2 tại Phú Hữu, quận 9, được báo giá 1,6 tỷ. Trong lúc chúng tôi còn đi tìm hiểu khả năng vay mượn thêm tiền của mình, nửa tháng sau quay lại, chủ nhà đã đòi 2 tỷ.

Thấy mua nhà liền thổ khó quá, bạn gái gợi ý mua chung cư trả góp. Chúng tôi chưa cần ở ngay, bạn gái bảo có thể mua chung cư đang xây dựng cho rẻ. Tuy nhiên, tôi vẫn thích mua nhà mặt đất hơn. Tôi tính, chúng tôi sẽ tạm thời mua đất ở ngoại thành, thậm chí tỉnh lân cận, rồi chờ lúc phù hợp sẽ xây nhà. Chúng tôi chỉ chọn những miếng đất có đường mặt tiền ô tô đi vào thoải mái, để đi lại cho thuận tiện. Tôi cũng không thích sống trong những con hẻm chật chội nhiều ngách. Thậm chí, nếu đất chúng tôi mua lên giá tốt, tôi sẽ bán để có tiền về gần trung tâm hơn. Vợ chồng cậu bạn thân của tôi đã ra tận Cần Giuộc, Long An mua đất xây nhà, mỗi ngày đi khoảng 25km vào quận 5 làm việc mà vẫn cười suốt đó thôi.

Với suy nghĩ đó, tháng 11/2017, tôi mua một nền đất 120m2 với giá hơn 1 tỷ tại Bình Chánh, cách khu công nghiệp Lê Minh Xuân khoảng 4-5km, cách trung tâm quận một khoảng 26-30km, tùy tuyến đường đi lại. Miếng đất tôi mua thuộc một dự án phân lô. Từ đây đi đến khu dân cư hiện hữu khoảng 500m nữa. Tôi hy vọng, khu công nghiệp phát triển, người ta sẽ sớm về đây xây dựng.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, xung quanh miếng đất tôi mua vẫn chưa có ai về đó xây nhà cả, dù các con đường nội bộ đã hình thành. Đương nhiên, tôi cũng không dám xây, bởi không thể tưởng tượng nổi, đêm hôm đi lại giữa khu vực vắng vẻ đó sẽ như thế nào.

Tôi nghe nói, chủ đầu tư vẫn còn nhiều hàng chưa bán được, đồng nghĩa với khả năng người về đây ở càng chậm, nên chả biết bao giờ tôi mới có thể xây nhà. Vả lại, nếu xây nhà, tôi lại phải tiếp tục đi vay tiền. Tính đi tính lại, tôi thấy bán đất đi, mua chung cư cũ gần trung tâm sẽ phù hợp với điều kiện của chúng tôi hơn.  Tuy nhiên, dù tôi đã đăng tin rao bán đất suốt 3 tháng nhưng chưa có ai thèm hỏi mua.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc một công ty môi giới và dịch vụ bất động sản tại TP HCM chia sẻ tùy chiến lược đầu tư của mỗi người nhưng ông thấy, so với khu vực chưa có người ở, bất động sản ở khu vực đã và đang phát triển, có dân cư hiện hữu luôn có tính thanh khoản cao hơn. Bởi đất ở khu vực chưa có người ở thường chỉ dành cho dân đầu cơ, mua đất chờ thời, rất hiếm người có nhu cầu sử dụng mua đất ở đây. Do nhu cầu ảo, nên đây sẽ là mặt hàng bị thất thế nhất, khó bán nhất, mất giá nhiều nhất khi cơn sốt đất đi qua.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG