Căn hộ ưng ý - sẵn sàng trả chênh
Một dự án Khu đô thị ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bán cách đây vài tháng với giá gốc từ 30- 32 triệu đồng. Nay, người mua muốn chọn căn ưng ý, tầng đẹp phải bỏ tiền chênh thêm một khoản vài ba trăm triệu so với giá gốc.
Không chỉ có dự án trên, nhiều dự án nằm trong khu đô thị có hạ tầng đã hoàn thiện đều xuất hiện giá chênh. Có xu hướng, người mua nhà sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu để lựa chọn được căn hộ tại vị trí mình ưng ý.
Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản EZ Việt Nam năm 2017, thị trường BĐS ghi nhận có xẩy ra hiện tượng giá chênh. Tuy nhiên, chỉ xuất hiện ở một số dự án mới được tung ra thị trường, được đánh giá tốt hoặc có cơ chế bán hàng đặc biệt.
“Thanh khoản thị trường quý cuối năm nay so với cùng kỳ năm ngoái không tốt, chỉ bằng khoảng 70% và chỉ tập trung vào những dự án có giá bán tầm trung, còn căn hộ cao cấp rất chậm. Hơn nữa, việc giao dịch trên thị trường rất minh bạch, thậm chí nhiều nhà đầu tư thứ cấp còn phải cắt lỗ hàng trăm triệu mới thu hồi được vốn”, ông Toản cho biết.
Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR) phân tích, các chủ đầu tư, đơn vị phân phối thường kỳ vọng lớn vào quý cuối năm nên dẫn đến giá bán bị nhiễu. Tuy nhiên, theo ông, thực tế thị trường năm nay có sự phân hóa khá rõ ràng giữa các phân khúc. Những dự án thanh khoản tốt, chủ yếu ở phân khúc giá rẻ, tầm trung dưới 25 triệu đồng mỗi m2 và tiến độ, pháp lý đảm bảo. Trong khi đó, những dự án có trên mức giá này tốc độ bán hàng lại chậm hơn.
“Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về tính pháp lý, uy tín chủ đầu tư và tiến độ xây dựng trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường đang quá nhiều. Do đó, những dự án nếu bán giá chênh hoặc phương thức giao dịch không minh bạch có thể khiến người mua để ở cũng như nhà đầu tư e ngại”, ông Quỳnh nhận định.
BĐS vẫn sinh lời
Thống kê, trong quý III/2017, Hà Nội có khoảng 5.000 căn hộ mới được đưa ra thị trường và đang có khoảng 20.000 căn hộ chào bán. Tính cả thị trường Hà Nội và TP.HCM, thì con số này sẽ khoảng từ 45.000 - 50.000 căn hộ đang được bán trên thị trường, chưa kể đến một lượng lớn đất nền, biệt thự, nhà thấp tầng... được giao dịch từ những quý trước trong khi sức tiêu thụ 1 năm chỉ khoảng 30.000 căn nhà ở cả hai thành phố lớn nhất cả nước.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết theo số liệu báo cáo của một số sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội, tính chung 6 tháng đầu năm 2017 có khoảng 6.700 giao dịch thành công. Phần lớn các giao dịch thành công đều tập trung tại phân khúc căn hộ trung và cao cấp. Các dự án có số lượng giao dịch tăng và giá tăng trong thời gian gần đây đều nằm tại các khu vực được hưởng lợi thế từ hạ tầng của các dự án mở rộng đường đã và sắp hoàn thành như dự án mở rộng đường vành đai 2, dự án đường Nguyễn Xiển - Xa La, đường Lê Đức Thọ - khu đô thị Xuân Phương...
Về giá cả, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc lĩnh vực bất động sản cùng nhiều đơn vị tư vấn cho rằng, 6 tháng đầu năm 2017, giá bất động sản tại Hà Nội không có nhiều biến động. Giá nhà ở trong khu vực nội đô tại một số dự án căn hộ trung cao cấp có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ, tiến độ thi công tốt, chủ đầu tư uy tín, có chính sách bán hàng và khuyến mại hấp dẫn thì giá bán có tăng nhẹ từ 3% - 5% so với cùng kỳ năm 2016.
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam 2017 do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) được tổ chức giữa tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định trong năm 2018, sẽ không có dấu hiệu biến động cực đoan nào xảy ra với thị trường bất động sản. Nhìn lại diễn biến thị trường những năm vừa qua, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định sau giai đoạn khủng hoảng, từ cuối 2013 đến nay, thị trường từng bước hồi phục và phát triển thể hiện ở tính thanh khoản tăng tại hầu hết phân khúc, giao dịch ổn định và duy trì mức khá. Cùng với đó, cơ cấu hàng hóa cũng có sự điều chỉnh hợp lý hơn theo hướng nhằm vào nhu cầu của người ở thực và khả năng thanh toán của khách hàng. Theo Bộ trưởng, đầu tư bất động sản vẫn là một kênh hấp dẫn, được nhiều người lựa chọn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc “đầu cơ, “lướt sóng” bất động sản chỉ diễn ra khi hàng hóa không đủ, cung ít, cầu nhiều, một nhóm đối tượng găm hàng, đẩy giá lên để bán. Còn từ nay đến cuối năm, rất dồi dào nguồn cung, hàng hóa nhiều, không hề thiếu nên chắc thị trường không có hiện tượng đầu cơ.