Ở bản án sơ thẩm quy kết, do biết Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009, để trốn thuế cho Cty B&B, theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, bà Đặng Ngọc Lan (đại diện Cty B&B) ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với bà Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên, cổ đông của Cty B&B). Theo đó, bà Hương ủy thác cho Cty B&B đầu tư vào việc kinh doanh vàng ghi sổ với số lượng mua/bán 600.000 lượng vàng SJC.
Ngày 25/12/2008, bà Lan, Hương và ông Kiên ký phụ lục hợp đồng, với nội dung: Nguyễn Thúy Hương đồng ý để Cty B&B được ủy thác lại cho Ngân hàng ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng; bà Hương ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên quyết định và chỉ định cho Cty B&B thực hiện các vấn đề liên quan đến hoạt động mua bán theo hợp đồng ủy thác.
Ngay sau đó, cơ quan điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tổng cục thuế - Bộ Tài chính xác định nghĩa vụ nộp thuế của Cty B&B. Không lâu sau, giám định viên Bộ Tài chính đã kết luận, thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ hợp đồng ủy thác nói trên là hơn 25 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Kiên khẳng định, việc làm của bà Hương là đúng pháp luật. “Các hoạt động này tại Việt Nam đã có từ năm 2005. Ở Ngân hàng ACB có 33.000 khách hàng ký hợp đồng tương tự. Hơn nữa, sau nhiều lần thanh, kiểm tra khác nhau, không có bất kỳ cơ quan nào nói rằng các cá nhân không được ký hợp đồng đầu tư ủy thác vàng với các ngân hàng” – bầu Kiên nói.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: “Tòa cấp sơ thẩm tính toán thuế trái pháp luật đối với Cty B&B. Tôi không có ý thức trốn thuế. Cty B&B không trốn thuế trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi đề nghị Tòa dùng quyền lực của mình yêu cầu cơ quan thuế xác định Cty B&B trốn thuế bao nhiêu? Tôi cũng yêu cầu giám định lại các hợp đồng của Cty B&B để xem công ty này có trốn thuế hay không. Nội dung này, tôi sẽ nói kỹ ở phần tranh luận”.
Nói về hợp đồng ủy thác với em gái, bầu Kiên quả quyết: “Đến giờ, tôi hoàn toàn tin rằng, hợp đồng của tôi ký với Thúy Hương là hoàn toàn đúng pháp luật, đúng từng chữ một”.