“Bầu” Kiên đề nghị tòa tự bổ sung tài liệu

“Bầu” Kiên đối diện bản án phúc thẩm 30 năm tù giam
“Bầu” Kiên đối diện bản án phúc thẩm 30 năm tù giam
TP - Sau 7 ngày mở tòa, chiều 8/12, Viện KSND Tối cao chính thức kết luận vụ án. Theo đó, khẳng định không có căn cứ xem xét 6 lá đơn chống án của các bị cáo, đề nghị giữ nguyên mức hình phạt như phiên sơ thẩm.

“Kết án bị cáo 4 tội là không oan”

Đó là khẳng định của vị đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên phúc thẩm. Kiểm sát viên này khẳng định, có đầy đủ căn cứ để kết tội các bị cáo như bản án sơ thẩm đã tuyên, qua đó đề nghị HĐXX tuyên ông Kiên phạm 4 tội danh Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

“Không có căn cứ để xem xét về kháng cáo liên quan đến tội danh của các bị cáo. Về vấn đề hình phạt, tòa sơ thẩm đã đánh giá mức độ, vai trò của các bị cáo là thỏa đáng, phù hợp quy định pháp luật, không chấp nhận kháng cáo của cả 6 bị cáo và bị đơn dân sự, giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với các bị cáo” –công tố viên kết luận.

Đơn cử như hành vi cố ý làm trái, Viện KSND Tối cao cho rằng, vào thời điểm phạm tội (năm 2011), Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn về hoạt động ủy thác, nhưng các thành viên HĐQT của Ngân hàng ACB đã đồng ý chủ trương ủy thác cho nhân viên của ACB mang hơn 718 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank). Ngay sau đó, toàn bộ số tiền trên đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB.

Cũng tại phiên phúc thẩm, bị cáo Trịnh Kim Quang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB, bị tòa cấp sơ thẩm tuyên 4 năm tù về hành vi cố ý làm trái) xin rút đơn kháng cáo. Do đó, Viện KSND Tối cao đề nghị đình chỉ kháng cáo đối với bị cáo này. Trong quá trình xét xử, ông Quang luôn thể hiện lập trường không rõ ràng, khi thì kêu oan, khi thì xin giảm nhẹ, lúc khác lại vừa kêu oan vừa xin giảm án.

Cùng nằm trong nội dung bác kháng án, Viện KSND Tối cao cũng đề nghị bác đơn của Cty B&B liên quan đến hành vi trốn thuế. Sau đề nghị mức án của Viện kiểm sát, Tòa bắt đầu chuyển sang phần tranh luận với phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư nói “bầu” Kiên bị oan

Trong phần bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB, các luật sư đều khẳng định thân chủ của mình bị kết án oan. Cụ thể, luật sư Bùi Quang Nghiêm khi bào chữa về tội Kinh doanh trái phép phân tích, quyền góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp được quy định tại Điều 13 - Luật Doanh nghiệp năm 2005. Theo đó, 5 Cty của “bầu” Kiên đều có quyền được mua cổ phần, góp vốn và không cần đăng ký kinh doanh trong hoạt động này. Để thuyết phục HĐXX, luật sư Nghiêm dẫn chứng thêm, Luật Đầu tư quy định, việc mua cổ phần, cổ phiếu là hành vi góp vốn; 5 doanh nghiệp do “bầu” Kiên làm người đại diện chỉ là nhà đầu tư theo Luật Đầu tư, không phải ngành nghề kinh doanh tài chính...

Ở tội trốn thuế, luật sư Nghiêm cho hay, pháp luật không cấm các cá nhân ký hợp đồng ủy thác kinh doanh vàng với các ngân hàng và các tổ chức kinh doanh vàng, do vậy bà Nguyễn Thúy Hương (em gái bị cáo Kiên) có quyền tổ chức kinh doanh. “Cty B&B được quyền ủy thác với bà Hương, theo Luật Thương mại năm 2005 mà không cần đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, các báo cáo tài chính của B&B đã được thanh tra thuế kiểm tra và xác nhận B&B đã hoàn thành nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế cũng không có quyết định truy thu thuế” – luật sư Nghiêm dẫn chứng.

Bổ sung ý kiến trên, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên) lập luận: “Trốn thuế là hành vi cố ý không thực hiện nộp thuế theo quy định của pháp luật. Vậy Kiên có hành vi gian dối không nộp thuế không? Thực tế, việc làm của Kiên và B&B là hoàn toàn công khai, và được xuất trình đầy đủ cho đoàn thanh tra thuế”. Nói về số tiền trốn thuế 25 tỷ đồng, luật sư Thiệp tái khẳng định, đó là con số không có cơ sở. “Nếu trốn thuế thì là bao nhiêu? Tôi cho rằng chưa xác định được, số tiền nói trên chưa tương ứng với số tiền doanh nghiệp phải nộp”.

Về tội danh lừa đảo, các luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên cho rằng, có dấu hiệu của việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. 

Hôm nay (9/12), HĐXX tiếp tục làm việc với phần tranh tụng.

“Bầu” Kiên đề nghị tòa tự bổ sung tài liệu

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên giơ tay có ý kiến xin cung cấp thêm tài liệu, cùng một số bằng chứng khác cho vụ án. Khi HĐXX yêu cầu nộp, bị cáo này lại nói: “Hiện tôi không có trong tay, nhưng tôi biết rõ các tài liệu đó đang nằm ở đâu, đề nghị HĐXX yêu cầu lấy”. Theo trình bày của bị cáo này, đó là hàng loạt giấy phép của một số Cty liên quan đến vụ án (Cty Cổ phần Thăng Long, Cty Cổ phần hàng hóa ga Sài Gòn, Cty Thiên Nam…). Bị cáo Kiên cho hay: “Đây là chứng minh tôi không kinh doanh trái phép”. 

Tiếp đến, “bầu” Kiên đề nghị luật sư chuyển tới Tòa Phúc thẩm một số tài liệu được cho liên quan đến vụ án. Cuối cùng, “bầu” Kiên xin được trình bày nguyên văn lá đơn chống án dài 118 trang giấy, nhưng đã bị Tòa bác, vì cho rằng nội dung tài liệu này đã được xem xét kỹ lưỡng trong suốt quá trình xét xử.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.