Bầu Đức - “phao cứu sinh” của VFF

Bầu Đức (bìa trái) có chấp nhận ở lại để giữ đoàn kết cho VFF?. Ảnh: VSI.
Bầu Đức (bìa trái) có chấp nhận ở lại để giữ đoàn kết cho VFF?. Ảnh: VSI.
TP - Việc bầu Đức “dứt áo ra đi” vào thời điểm hiện tại có thể đẩy Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào một cuộc tranh đấu quyết liệt, trong bối cảnh nhiệm kỳ VII sắp kết thúc.

Ngày 7/9, tin từ CLB HAGL cho biết, ông Đoàn Nguyên Đức đã có đơn chính thức xin rút khỏi VFF. Trước thềm SEA Games 29, ông Đức tuyên bố, nếu U22 Việt Nam không giành HCV, ông sẽ từ chức Phó chủ tịch phụ trách tài chính.

Kết quả, U22 Việt Nam thua thật. Đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng thắng một mạch 3 trận đầu tiên trước các đối thủ yếu Timor Leste (4-0), Campuchia (4-1) và Philippines (4-0), nhưng sau đó lần lượt hòa Indonesia 0-0 rồi thua đậm Thái Lan 0-3 ở lượt trận cuối. Trận thua 0-3 Thái Lan diễn ra hôm 24/8 khiến U22 Việt Nam bị loại khỏi SEA Games 29 ngay từ vòng bảng. Trong phòng họp báo sau trận đấu, HLV Nguyễn Hữu Thắng tuyên bố từ chức và không lâu sau đó, bầu Đức lên tiếng khẳng định giữ đúng lời hứa trước đó của mình.

Tuy nhiên, nguồn tin khả tín từ VFF cho biết, ông Đức thực tế đã có kế hoạch nghỉ công việc ở VFF từ trước SEA Games 29, không phụ thuộc thành tích của đội tuyển U22 Việt Nam. Bầu Đức cũng đã báo cáo mong muốn này với Thường trực VFF. Hôm qua, TTK VFF Lê Hoài Anh xác nhận với Tiền Phong việc bầu Đức đã chính thức gửi đơn từ nhiệm.

“Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định việc này thuộc BCH và Thường trực VFF. Nếu anh Đức muốn nghỉ thì cũng phải theo đúng quy trình. Cá nhân tôi thì rất mong muốn anh Đức cân nhắc lại, vì VFF cũng như bóng đá Việt Nam lúc này cần anh ấy”, ông Anh cho biết.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, thực tế VFF đã thuyết phục bầu Đức đổi ý. Một quan chức cấp cao VFF nói: “Đóng góp của anh Đức và HAGL đối với bóng đá Việt Nam ai cũng có thể thấy. Thất bại của U22 Việt Nam chỉ là nhất thời, mong ước giành HCV là của tất cả chúng ta, chứ không phải riêng cá nhân anh Đức. Chúng tôi nghĩ rằng, lúc này, anh Đức ra đi thì thực sự là điều đáng tiếc”.

Níu giữ

Sau SEA Games 29 xuất hiện luồng ý kiến nhắm vào các vị trí lãnh đạo cấp cao VFF hiện nay, như Chủ tịch Lê Hùng Dũng hay Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn. Ông Dũng vì vấn đề sức khỏe, phải giao công việc lại cho Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn đôi năm trở lại đây. Giới trong cuộc biết rằng, mọi công việc lớn nhỏ ở VFF thời gian qua đều phải qua tay ông Tuấn và Ban thư ký xử lý.

Nếu đúng thời hạn, nhiệm kỳ VII VFF sẽ kết thúc vào tháng 3/2018, và khi đó VFF phải tổ chức đại hội bầu ra nhân sự mới. Chủ tịch Lê Hùng Dũng gần như chắc chắn sẽ ra đi. Chiếc ghế ông Dũng để lại, vì vậy trở thành cuộc đua của những người ở lại, và cả những người ở bên ngoài. Những tin tức dồn dập nhằm vào VFF gần đây vì vậy được nhìn nhận như dấu hiệu của một cuộc kịch chiến. Với nội tình bộ phận lãnh đạo cấp cao VFF như trên, bóng đá Việt Nam thực sự đang trong cơn khó thở.

“Trong hoàn cảnh này, nếu anh Đức lại ra đi thì thực sự VFF sẽ bị đẩy vào cảnh mất đoàn kết rất cao, khó có thể làm được gì. Trong khi đó, từ nay tới thời điểm đại hội nhiệm kỳ mới, bóng đá Việt Nam vẫn còn rất nhiều công việc cần giải quyết. VFF vì vậy cần thuyết phục anh Đức ở lại, còn tới đại hội, nếu anh Đức muốn rút lui nữa, hẳn không ai cấm cản”, Chủ tịch một CLB ở miền Bắc nói với Tiền Phong.

Hôm qua, một lãnh đạo cấp cao Tổng cục TDTT cho biết, Tổng cục TDTT vẫn theo sát để có chỉ đạo cần thiết đối với VFF, theo thẩm quyền. Vị này cũng chia sẻ, những thông tin về nội bộ thiếu đoàn kết của VFF, vốn xuất hiện lâu nay, khiến Tổng cục rất lo lắng. “Có mấy người với nhau mà không yên ổn nổi, chúng tôi thực sự rất phiền muộn”, quan chức này nói.

MỚI - NÓNG