Một trong những vấn đề được nêu ra trong bầu cử là đưa ra số dư để cho cử tri lựa chọn người xứng đáng nhất. Theo ông, đây có phải là vấn đề quan trọng và nên thực hiện số dư như thế nào?
Đúng là số dư rất quan trọng để khắc phục chuyện “quân xanh, quân đỏ”. Nếu bầu ba người thì phải có số dư tối thiểu hai người, nếu bầu bốn phải có số dư tối thiểu ba người. Chúng ta cũng không nên quan niệm rằng cứ phải số phiếu cao mới tốt mà chỉ cần quá bán thôi. Do vậy, đưa ra nhiều người đủ khả năng để cử tri lựa chọn sẽ càng rộng và thể hiện được sự bình đẳng giữa các ứng cử viên.
Một trong những vấn đề khác được phản ánh nhiều trong các kỳ bầu cử là tình trạng bầu hộ, bầu thay. Vậy phải làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Trong công tác bầu cử đúng là có tồn tại tình trạng “bầu hộ, bầu thay”. Lâu nay một người có thể bầu hộ cho tất cả các thành viên khác trong gia đình. Việc lựa chọn đại biểu chỉ từ ý chí của một người sẽ không khách quan, chính xác. Do vậy, phải quy định, đồng thời cố gắng tuyên truyền, vận động để cho người dân sử dụng quyền của mình, tránh bầu thay, bầu hộ. Thà rằng trong 100 người chỉ có 70 người đi bầu nhưng thực chất còn hơn bầu hộ.
Vậy còn tình trạng vận động bầu cử thì sao, thưa ông?
Ở nước ngoài, người ta gọi là tranh cử, tức là có sự trao đổi, tranh luận quyết liệt để xây dựng hình ảnh của mình, thậm chí làm lu mờ người khác. Còn Việt Nam không nói tranh cử mà là vận động bầu cử, nghĩa là có quyền vận động để cử tri bầu cho mình. Người đó phải trình bày rõ chương trình hành động của mình, nếu được tín nhiệm bầu sẽ làm gì, có đủ khả năng đáp ứng vai trò đại diện không.
Trong luật quy định rất rõ điều này để đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên, từ tiếp xúc cử tri đến vận động bầu cử phải bình đẳng như nhau. Đặc biệt còn có quy định nghiêm cấm vận động bầu cử để thu hút, quyên góp tiền để làm việc nọ việc kia và cấm dùng tiền mua chuộc cử tri. Rút kinh nghiệm từ khóa trước, luật lần này quy định chặt chẽ hơn để thực hiện tốt hơn, bảo đảm sự công bằng giữa các ứng cử viên.
Tuy nhiên, để cử tri có thể lựa chọn chính xác thì công tác tuyên truyền tại các địa phương phải được đẩy mạnh, đặc biệt cần tạo điều kiện cho ứng cử viên được tiếp cận nhiều với người bầu mình. Quan sát qua các đợt bầu cử vừa qua, tôi thấy có địa phương tổ chức bài bản, thành những đợt tiếp xúc dài ngày, song cũng có nơi tổ chức còn hạn chế.
Tính độc lập của Hội đồng Bầu cử Quốc gia có giúp quá trình này thêm thực chất, khách quan?
Tính độc lập ở đây trước tiên là từ cơ cấu, ví dụ cơ cấu đại biểu thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra. Còn Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ ở bên cạnh xem xét lại từng trường hợp, nếu phát hiện ra những bất thường từ người được giới thiệu bầu thì có quyền điều chỉnh lại. Nếu trước đây chỉ có hai đơn vị thì bây giờ đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba bên: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó đầu mối chung là Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Được biết, một trong những yêu cầu để đảm bảo tính độc lập, khách quan của Hội đồng Bầu cử Quốc gia là các thành viên trong Hội đồng phải không kiêm nhiệm? Ông nghĩ sao về điều này?
Tại một số nước những người trong Hội đồng không phải ứng cử viên. Ở Việt Nam, Luật Bầu cử quy định rõ ứng cử viên thì không được tham gia bầu cử ở đơn vị bầu cử. Còn ở cấp cao hơn như Ủy ban bầu cử hay Hội đồng Bầu cử Quốc gia thì vẫn được. Đối với kỳ bầu cử tới, việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia - người không ra ứng cử nữa sẽ đảm bảo tính khách quan.
Ngoài tính độc lập khách quan, Hội đồng này còn phải giải quyết đơn thư khiếu nại trong quá trình bầu cử. Theo ông đây có phải là một nội dung quan trọng, đáng phải lưu tâm?
Đây đúng là một nội dung quan trọng của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, nhưng việc giải quyết này sẽ tồn tại từ khi bắt đầu công bố ngày bầu cử đến khi tổng kết bầu cử, chuyển hồ sơ cho Quốc hội khóa mới. Trong thời gian đó vai trò của Hội đồng Bầu cử là cơ quan cao nhất để giải quyết những việc đó.
Cảm ơn ông.
Bầu cử Quốc hội khóa XIV vào ngày 22/5/2016
Ngày 24/11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội chính thức quyết định lấy ngày 22/5/2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Quốc hội cũng chính thức bầu ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Thay mặt Hội đồng Bầu cử Quốc gia, ông Nguyễn Sinh Hùng đọc tờ trình để Quốc hội thảo luận và phê chuẩn danh sách 4 phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử và 16 ủy viên. Quốc hội giới thiệu ông Nguyễn Hạnh Phúc để bầu vào chức danh Tổng thư ký Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.
Văn Kiên