Sáng 20/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND; lấy ý kiến tín nhiệm cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với người tự ứng cử.
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu – Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TPHCM khẳng định không có ứng cử viên định hướng. Tất cả các ứng cử viên có trong danh sách sơ bộ sau hội nghị hiệp thương lần 2 đều bình đẳng trong việc lấy ý kiến cử tri.
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội quy định hội nghị nơi công tác hoặc nơi làm việc, nơi cư trú của ứng viên nếu không đạt được trên 50% số cử tri giới thiệu thì ứng viên đó không được đưa vào danh sách.
Theo bà Tô Thị Bích Châu, việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử là giai đoạn rất quan trọng, góp phần quyết định sự tín nhiệm, uy tín của người ứng cử. Do đó, tổ chức hội nghị phải bình đẳng, công bằng, đúng quy định pháp luật.
“Hệ thống MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ phối hợp với UBND các phường, xã, thị trấn tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đảm bảo bình đẳng, công bằng” – bà Châu cam kết.
Theo Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM) Lý Ngọc Thạch, hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử được tổ chức tại khu phố, ấp nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú, không lấy ý kiến tại tổ dân phố.
Trường hợp người ứng cử tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố thì tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị. Đối với người tự ứng cử nếu chưa lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác thì phải lấy ý kiến cử tri cả nơi cư trú và nơi làm việc.
Những nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải đảm bảo số lượng cử tri tham dự hội nghị đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập. Những nơi có từ 100 cử tri trở lên thì có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải đảm bảo có ít nhất 55 cử tri tham dự hội nghị.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM là từ 21/3 đến 13/4.
Trước đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM đã tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV và nhất trí thông qua danh sách sơ bộ 51 ứng cử viên ĐBQH khóa XV, trong đó có 36 hồ sơ do các đơn vị giới thiệu và 16 hồ sơ tự ứng cử.
Trong 51 hồ sơ ứng viên bầu ĐBQH có 16 nữ (đạt tỷ lệ 31%), 16 trường hợp ngoài Đảng (đạt 31%), 8 người dưới 40 tuổi (đạt 16%), 8 người thuộc khối dân tộc – tôn giáo (đạt 16%); 15 người tái cử (đạt 29%), 15 người tự ứng cử (đạt 29%), 38 người có trình độ trên đại học (đạt 74%)…
Có 15 ĐBQH được giới thiệu tái cử gồm: Ông Trần Lưu Quang (Phó bí thư thường trực Thành ủy); bà Văn Thị Bạch Tuyết (Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH TPHCM); bà Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM); ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy); ông Dương Ngọc Hải (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy); bà Trần Kim Yến (Bí thư Quận ủy quận 1); bà Trần Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM); ông Lâm Đình Thắng (nguyên Bí thư Quận ủy quận 9); Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (nguyên Phó Chính ủy Quân khu 7); bà Nguyễn Thị Yến (ni sư Thích Nữ Tín Liên); ông Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM); ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư); ông Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV); bà Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM); Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM).