Bất thường giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương

Tập thơ đoạt giải A của bà Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An.
Tập thơ đoạt giải A của bà Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An.
TP - Giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương lần thứ 5 (2010-2015) tại Nghệ An vừa kết thúc phần chung khảo thì cũng là lúc bất bình nổi lên về quy chế giải thưởng và chất lượng chấm giải.

Ngày 13/4, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Xuân Lương (Hội viên Hội NSNA Việt Nam, Hội viên Hội VHNT tỉnh Nghệ An) cho biết, đã?gửi đơn phản ánh những bất cập của giải thưởng. “Thể lệ có những điểm chưa đúng như ảnh đơn nghệ thuật, bộ ảnh rồi ảnh nhóm khá lộn xộn, không rõ ràng, cụ thể. Một mình bà Nguyễn Thị Phước, Chủ tịch Hội VHNT Nghệ An, làm chủ tịch 9 hội đồng sơ khảo của 9 chuyên ngành là vi phạm về chuyên môn nghiệp vụ, nên không thể đọc hết các tác phẩm để chấm điểm nhưng hưởng thù lao chấm giải cao. Một số thành viên hội đồng sơ khảo chưa đủ khả năng thẩm định tác phẩm; hầu hết những người chấm giải đều dự thi và đoạt giải cao là không khách quan”, ông Lương nhận xét.

Hội đồng sơ khảo và Tổ thư ký giúp việc cho Hội đồng chung khảo và Hội đồng sơ khảo xét giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương lần thứ 5 gồm 9 hội đồng sơ khảo, 45 thành viên, trong đó, bà Nguyễn Thị Phước, đứng tên cả 9 hội đồng. “Chỉ nghe thấy đã là vô lý và nực cười rồi, sau khi công bố danh sách giải thưởng Hồ Xuân Hương lần này thì có tổng cộng 91 giải thưởng các thể loại (thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, văn học dân gian, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa) thì tất thảy đều có tên của hầu hết thành viên trong BGK xét giải, đặc biệt là những giải cao”, ông Lương nói.

BGK chia nhau nhận giải?

Bà Nguyễn Thị Phước, Chủ tịch hội đồng chấm giải kiêm chủ tịch 9 hội đồng sơ khảo, đạt giải A với tác phẩm thơ “Nối đêm” (giải thơ duy nhất 1 giải A). Ông Trịnh Quang Thuận, Trưởng ban Âm nhạc Hội VHNT (Phó chủ tịch Hội đồng), đạt giải A âm nhạc “Xuôi dòng Lam Giang”. Ông Hồ Thiết Trinh, Ủy viên Mỹ thuật Hội VHNT (thành viên hội đồng) đạt giải A mỹ thuật “Công dân mới của Trường Sa”. Ông Nguyễn Thế Quang, Trưởng ban Văn - Hội VHNT (Phó chủ tịch hội đồng) đạt giải A văn xuôi “Thông reo Ngàn Hống”… Hàng chục giải B, C, khuyến khích các thể loại cũng đều thuộc về nhiều thành viên trong Hội đồng xét chấm giải.

Các hội đồng sơ khảo nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, văn xuôi đều có bốn thành viên, hầu hết đều đạt giải cao. “Nói về cách xét giải thưởng Hồ Xuân Hương, đã có tiền lệ theo “kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi”. Kiểu này đã xảy ra vào lần thứ 4 (2005 - 2010) khiến dư luận xôn xao, dẫn tới việc trao giải chậm hơn 8 tháng. Lỗi chưa sửa hẳn, lần này lại tiếp tục giẫm lên vết xe đổ. Ai đời chính giám khảo lại gửi tác phẩm dự thưởng và đều đạt giải cao nhất, nhì. Dư luận không xôn xao sao được”, ông Lương nói.

Hội viên Hội VHNT tỉnh Nghệ An, ông Võ Văn Vinh, nói: “Tôi bất bình không chỉ việc bà Chủ tịch hội đồng đứng tên trong 9 hội đồng sơ khảo mà còn về chất lượng giải thưởng Hồ Xuân Hương năm nay. Có nhiều tác phẩm dự thưởng có chất lượng lại bị loại ngay vòng đầu, trong khi những tác phẩm chưa một lần đưa ra công chúng hoặc mới chỉ đăng các tạp chí nhỏ lẻ trong tỉnh lại gạt những tác phẩm đăng báo trung ương để giật giải cao nhất trong đợt xét thưởng. Chỉ có thể nói hai từ “bất thường” ở giải thưởng Hồ Xuân Hương năm nay”.

Hầu hết thành viên 9 hội đồng sơ khảo đều có tác phẩm dự thi và đều đạt giải cao. Riêng hội đồng thơ có 5 thành viên chấm giải thì 4 người có tác phẩm dự thi.

MỚI - NÓNG