> Ngân hàng Nhà nước: Nhập khẩu để bình ổn
> Giá vàng trong nước và thế giới cùng lao dốc
Hôm qua, việc bán vẫn tiếp tục với con số chừng 4.000 lượng. Tại Hà Nội, theo đại diện SJC, một lượng vàng thấp hơn với tên gọi “bình ổn” cũng đã xuất kho. Để DN thực hiện chương trình này, dù muốn hay không, ít nhiều NHNN sẽ phải mở “hầu bao” ưu đãi.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, với việc giá vàng quay đầu giảm 1 triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày, những người may mắn mua vàng “ưu đãi” bỗng chốc nhìn số vàng trên với con mắt bị ngược đãi bởi bỗng dưng mất tiêu tới cả chục triệu đồng.
Ở một góc độ, những nhà đầu tư “ôm” vàng bình ổn đã trở thành nạn nhân của chính họ. Nhưng cũng không thể phủ nhận, việc đưa ra một chương trình với tên gọi kỳ cục “bán vàng bình ổn” đã cho thấy, cơ quan quản lý đang lúng túng và điều hành có... vấn đề. Mặc dù việc bán vàng giá thấp được giải thích là công ty SJC triển khai theo trách nhiệm cam kết với Ngân hàng Nhà nước khi nhận quota nhập khẩu vàng đợt hai.
Không phải đến thời điểm này, mà từ vài năm nay, tại TP.Hồ Chí Minh và một số địa phương khác đã có chương trình bán hàng bình ổn. Với lý do để ổn định thị trường, mà sâu xa hơn là ổn định đời sống dân nghèo, một số doanh nghiệp được nhà nước ưu đãi đủ điều kiện (nguồn cung, địa điểm, lãi suất vay vốn), để họ cung cấp, bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với giá thấp hơn thị trường 10%.
Mục tiêu thì tốt nhưng cách thực hiện thì đã có vấn đề: từ chuyện giá cả hàng bình ổn vẫn cao, tới chất lượng hàng cũng như đối tượng thụ hưởng không như mong đợi, rất nhiều thứ “bất ổn” đã xảy ra.
Một chuyên gia kinh tế nhận định: việc lạm dụng “hành chính hóa” để điều tiết quản lý thị trường là điều không nên. Với vàng càng không phải, vì nó không phải là thứ “cơm ăn, nước uống” trong đời sống hằng ngày. Theo vị này, nếu cơ quan quản lý cứ bị động mà lẽo đẽo chạy theo thị trường như vậy thì chỉ khiến sớm phát sinh những điều bất ổn.